Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 10h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 47,75 triệu đồng/lượng - bán ra 48,42 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng so với hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 47,60 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 48,35 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 47,85 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng) - bán ra 48,30 triệu đồng/lượng (giảm 180.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 47,90 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng) - bán ra 48,30 triệu đồng/lượng (giảm 180.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm về sát mức 1.700 USD/ounce
Đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục đà giảm từ phiên trước, giá vàng giao ngay đã giảm mạnh từ chiều qua khi rơi khỏi ngưỡng 1.725 USD và 1.720 USD/ounce. Trong phiên giao dịch đêm qua, giá vàng thế giới tiếp tục rơi khỏi ngưỡng 1.715 USD/ounce, có lúc chạm 1.704,5 USD/ounce và kết thúc phiên giao dịch sau khi giảm gần 20 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 cuối phiên cũng giảm 11,7 USD xuống 1.724 USD/ounce.
Lúc 7h30 sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục giảm nhẹ 0,17% về 1.710,3 USD/ounce, đến 10h về mức 1.702,7 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 33,4% (429 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1 triệu đồng so với vàng trong nước. Giá vàng thế giới điều chỉnh giảm khá mạnh sau hai phiên tăng dữ dội cuối tuần trước. Dù vậy, vàng vẫn vững chắc trên ngưỡng 1.700 USD/ounce và được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tác động tới giá vàng là kinh tế Mỹ đã rục rịch khởi động lại với việc một số nhà máy đã bắt đầu mở cửa sản xuất trở lại sau thời gian tạm ngừng vì Covid-19. Quan trọng hơn, giá vàng chịu tác động khi thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới tăng rất mạnh; giá dầu thô giảm trở lại.
Giá dầu thô giao dịch trên sàn Nymex phiên hôm qua đã giảm hơn 4 USD xuống còn hơn 12 USD/thùng. Một số ý kiến cho rằng giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm khi hợp đồng tháng 6 sẽ hết hạn vào cuối tháng 5. Tình trạng thiếu nơi lưu trữ dầu vẫn đang là cú sốc với thị trường. Một số nhà sản xuất dầu của Mỹ, trong đó có Diamond Offshore, cuối tuần qua đã nộp đơn xin phá sản.
Dự kiến cuối tuần này OPEC sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu khai thác được công bố trước đó. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này không đủ để tác động tích cực đến giá dầu hiện nay.
Thị trường sẽ đón chờ cuộc họp của các Ngân hàng trung ương diễn ra trong tuần này, bao gồm cả các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, bên cạnh đó là các báo cáo thu nhập của doanh nghiệp Mỹ.
Giới phân tích hy vọng rằng vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các gói kích thích liên tục được các ngân hàng trung ương tung ra để khắc phục tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Vàng chịu áp lực giảm giá còn do chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ thông tin về gói kích thích mới từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và các nước lên kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa. Về ngắn hạn, dấu hiệu dịch viêm đường hô hấp Covid-19 có thể đã đạt đỉnh là yếu tố chi phối thị trường trong tuần này. Đây là thông tin tích cực cho chứng khoán và trong ngắn hạn chặn đà tăng của giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng giao ngay có thể thử sức quanh mức hỗ trợ 1.703 USD/ounce.
Dù vậy, về dài hạn, vàng vẫn được dự báo tăng giá. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng lượng vàng nắm giữ lên thêm 0,6% lên 1.048,31 tấn trong phiên 24/4.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá vẫn đang chiếm lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 4 là 1.788,8 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc vào tuần trước, cũng là mức thấp nhất tuần là 1.666,2 USD/ounce.

Nguồn: VITIC