Giá vàng trong nước tăng vọt
Vào thời điểm lúc 14h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 43,80 triệu đồng/lượng (tăng 880.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 44,32 triệu đồng/lượng (tăng 1.000.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 43,75 triệu đồng/lượng (tăng 850.000 đồng/lượng) - bán ra 44,25 triệu đồng/lượng (tăng 950.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 44 triệu đồng/lượng (tăng 850.000 đồng/lượng) - bán ra 44,35 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 44,03 triệu đồng/lượng (tăng 920.000 đồng/lượng) - bán ra 44,33 triệu đồng/lượng (tăng 1.050.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tăng
Giá vàng thế giới, trên sàn Kitco lúc 14h30 giao dịch ở mức 1.570,7 USD/ounce (tăng 18,4 USD/ounce so với phiên trước đó). Lực đẩy giá kim loại quý là loạt thông tin về tình hình kinh tế các nước lớn: Hoạt động của ngành chế tạo Mỹ giảm mạnh nhất hơn 1 thập kỷ. Theo báo cáo mới nhất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số hoạt động của các nhà máy tại Mỹ đã giảm xuống 47,2 vào tháng 12/2019 so với mức 48,1 ghi nhận hồi tháng 11/2019.
Trong biên bản cuộc họp cuối cùng của năm 2019 vừa được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố, cơ quan này đánh giá những rủi ro đối với kinh tế Mỹ vẫn còn dù nguy cơ suy thoái và căng thẳng thương mại đã giảm.
Trong cuộc họp cuối cùng năm 2019, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Fed cũng tuyên bố giữ nguyên lãi suất trong khoảng 1,5-1,75%. Trong khi đó, triển vọng kinh tế Nhật Bản trong năm 2020 bị đánh giá kém sáng khi GDP thực tế của kinh tế Nhật Bản dự kiến chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020, sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ thứ 2 được ghi nhận chỉ trong 6 năm qua.
Liên quan tới cuộc chiến thương mại, mới đây Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài mà Mỹ lâu nay vẫn yêu cầu nước này thực hiện. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ấn định ký kết trong vài ngày tới song giới phân tích cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ làm dịu căng thẳng giữa đôi bên, song xét một cách chi tiết, thỏa thuận vẫn tồn tại "lỗ hổng lớn” cần giải quyết.
Ngoài ra, động lực lớn cho thị trường là căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông đang gia tăng cùng với sự sụt giảm của đồng USD cũng đang thúc đẩy giá vàng tăng.
Vào cuối tuần trước, các nhà đầu tư đổ xô sang các kênh trú ẩn sau khi vụ không kích của Mỹ đã giết chết vị tướng hàng đầu của Iran, Qasem Soleimani, ở Baghdad. Soleimani là một nhân vật quan trọng trong giới chính trị Iran và cái chết của ông làm dấy lên lo ngại về khả năng đáp trả của Iran.
Theo ông Everett Millman, chuyên gia về thị trường kim loại quý tại công ty môi giới đầu tư Gainesville Coins, tình hình tại Trung Đông có thể còn “tăng nhiệt” hơn nữa. Tuy nhiên, giá vàng đã chạm mức kháng cự 1.550 USD/ounce, điều này có thể đồng nghĩa với việc nếu không có một cuộc đối đầu trực tiếp tại Trung Đông, vàng nhiều khả năng sẽ bị bán tháo ở mức dưới 1.500 USD/ounce một lần nữa.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng giá vàng sẽ được "tiếp sức" từ việc ngành chế tạo Mỹ trong tháng 12/2019 ghi nhận mức suy giảm mức lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Nhà kinh tế học Oren Klachkin thuộc Công ty tư vấn đầu tư Oxford Economics nhận định hoạt động chế tạo của Mỹ sẽ vẫn chịu nhiều áp lực trong năm 2020.

Nguồn: VITIC