Italy: Trong ngày 22/3, nước này ghi nhận thêm 5.560 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 59.138 trường hợp, hiện là nước có số ca nhiễm lớn thứ 2 thế giới. Số ca tử vong tăng lên 5.476 trường hợp (tăng 651 ca). Tổng số có 7.024 ca hồi phục (tăng 952 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 19.846 ca nhập viện, 3.009 ca phải điều trị tích cực và 23.783 ca cách ly tại nơi ở.
Mỹ: Tới ngày 23/3, Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ ba thế giới, với 32.356 trường hợp, trong đó 414 người đã tử vong. Các phương tiện truyền thông cùng ngày đưa tin Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus COVID-19. Ông là Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc căn bệnh này.
5 giờ 30 chiều 22/3 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị triển khai các trạm y tế khẩn cấp có sức chứa 4.000 giường bệnh tới các điểm nóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên toàn nước Mỹ (bang New York: 1.000 giường bệnh, bang California: 2.000 giường bệnh và bang Washington: 1.000 giường bệnh).

Nguồn: Pháp luật.vn

Pháp: Pháp thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian 2 tháng. Luật này cho phép chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các pháp lệnh và hoãn vòng 2 cuộc bầu cử địa phương muộn nhất tới tháng 6.
Tính đến tối 22/3, Pháp đã được ghi nhận 674 trường hợp tử vong do COVID-19, tăng 112 ca trong 24 giờ qua. Giới chức y tế cho biết 87% người chết là trên 70 tuổi. Tổng số ca nhiễm virus là 16.018, tăng 1.559 bệnh nhân. Trong số 7.240 người phải nhập viện, có 1.746 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới chức y tế xác nhận rằng số lượng bệnh nhân được phát hiện qua xét nghiệm thấp hơn thực tế vì Pháp không xét nghiệm đại trà.
Anh: Chính phủ sẽ trả 80% lương của người lao động nếu người chủ vẫn giữ người lao động đó, mức trả này lên tới 2500 bảng/tháng. Nhiều chủ cửa hàng bán lẻ và khách sạn đã cảnh báo đại dịch sẽ dẫn đến họ bị phá sản, nguy cơ nhiều nghìn người lao động sẽ bị rơi vào tình trạng mất việc.
Tính đến tối 22/3, trên toàn Vương quốc Anh đã có 281 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trong tổng số 5.683 ca dương tính, trong đó riêng trong ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 48 ca tử vong, gồm cả một ca mới 18 tuổi. Đây là trường hợp được ghi nhận là ca tử vong trẻ nhất tại Anh vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trung Quốc: Nơi virus COVID-19 bùng phát tháng 12/2019 ghi nhận số ca tử vong mới vì COVID-19 rất thấp (6 ca) và số bệnh nhân mới chỉ là 46. Tới thời điểm này, Trung Quốc tuyên bố đã khống chế được dịch bệnh, tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 81.054 ca và 3.261 ca.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết số ca mắc COVID-19 tại tỉnh này và thủ phủ Vũ Hán vẫn lần lượt giữ nguyên ở mức 50.000 ca và 67.800 ca của ngày 21/3. Như vậy, đây là ngày thứ tư liên tiếp Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc, không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.
Theo AFP, Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh các nhà khoa học trên toàn cầu đang nỗ lực chạy đua để tìm ra liệu pháp chống lại loại virus nguy hiểm này.
Hàn Quốc: Ngày 22/3 tiếp tục kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 khi nước này chỉ chi nhận thêm 2 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 lên 104 trường hợp, trong khi số người phục hồi đã tăng thêm 297 trường hợp lên 2.909 người; 98 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.897 trường hợp. Theo KCDC, đa số các ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là những người cao tuổi và có bệnh nền.
Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 122 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 721 ca. Trong các ca mới này, có 20 ca liên quan đến các trường hợp nhiễm virus trước đó, 10 ca nhập khẩu và 92 ca dương tính đang chờ điều tra nguồn lây bệnh.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Cộng đồng Campuchia cho biết nước này có thêm 2 ca mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 86 người. Trung tâm này khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng về các ổ dịch trong cộng đồng nhưng không loại trừ khả năng này, theo Reuters.
Philippines: Ngày 23-3 ghi nhận 8 ca tử vong và 16 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 33 người, và 396 người nhiễm virus corona chủng mới.
Tây Ban Nha: Trong ngày 22/3, Tây Ban Nha cũng đã thông báo có tới 375 ca tử vong mới, tăng 30% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.756 người. Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 3.107 ca, lên tổng số 28.603 người, trong đó 1.785 ca trong tình trạng nguy kịch.
Tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Pedro Sanchez đã truyền đạt quyết định này tới các lãnh đạo khu vực. Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày từ 14/3, trong đó có biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ các trường hợp bất khả kháng. Lực lượng an ninh và cảnh sát giám sát việc thực thi.

Việt Nam: Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã có 113 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

01 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Tổng số bình phục: 17 trường hợp

Tính đến ngày 22/3, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 7.947

Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 645

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 52.790 (trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 30.295)

Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 17.148

Số mẫu dương tính: 113

Số mẫu âm tính: 17.035

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương quyết liệt triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh mới

Chiều ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia và có diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo cùng Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự cuộc họp để rà soát toàn bộ quá trình triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua tại Bộ Công Thương, xây dựng các kế hoạch, kịch bản ứng phó trong giai đoạn mới, với những diễn biến mới.

Bộ trưởng BCT Trần Tuấn Anh: Cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu trong bất cứ tình huống nào

Dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, không quá bi quan, nhưng cũng không thể chủ quan, tại cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ cuối buổi chiều ngày 19/3/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các lãnh đạo các đơn vị Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường… cùng tham gia cuộc họp với tinh thần khẩn trương, chủ động “chỉ nêu những việc cần làm ngay, chỉ ra những điểm còn hạn chế để khắc phục, không vòng vo hay nêu giải pháp chung chung”.
Đây là một trong số nhiều cuộc họp khác diễn ra tại Bộ Công Thương, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với câu nói thường trực của người đứng đầu ngành – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta phải vào cuộc với trách nhiệm cao nhất; chủ động, thường trực để ứng phó với mọi tình huống. “Người dân cần hiểu và tuyệt đối tin tưởng rằng Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương đang đồng hành, sát cánh trong cuộc chiến này. Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ Công Thương luôn có mặt ở tuyến đầu
Ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần lập đoàn khảo sát thực tế, trên tinh thần nhỏ, gọn thành phần tham dự, nhưng công khai minh bạch để làm việc với một số địa phương, điểm nóng và doanh nghiệp. Không thể chỉ nghe các con số báo cáo mà cần có kiểm chứng để đảm bảo hàng hóa đủ, khâu phân phối lưu thông ổn định cũng như chất lượng hàng hóa được đảm bảo, vì sức khỏe của nhân dân./.

Nguồn: VITIC