Giá vàng diễn biến theo chiều hướng đi xuống
Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến nhạt nhoà theo chiều hướng đi xuống, do không được đón nhận được chất xúc tác từ phía thị trường. Giá dao động trong khoảng từ 36,60 – 36,74 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,80 – 36,89 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Trong nhiều phiên, nhu cầu đầu tư mới chỉ dừng ở mức độ nghe ngóng và chờ đợi thêm cơ hội ở các phiên kế tiếp. Tuy nhiên, với mức giá vào sáng 29/6 là 36,61 – 36,80 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước thời điểm gần kết thúc tháng 6 đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2,1 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế phí).
Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tới 40 đồng
Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng NN đã có một tuần tăng “nóng” khi chỉ trong 5 ngày giao dịch, tỷ giá đã tăng tới 40 đồng. Mức thấp nhất của tỷ giá là vào ngày đầu tuần (25/6) là 22.615 đồng/USD. Mức cao nhất là vào ngày 28/5 tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.655 đồng/USD. Trước sự biến động của tỷ giá trung tâm, giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục tăng hơn so với tuần trước đó. Giá mua vào và bán ra đồng bạc xanh phổ biến ở mức 22.920 đồng (mua) và 22.990 đồng (bán). Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 23.055 - 23.075 đồng/USD.
Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số về kinh tế vĩ mô
Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tới 40 đồng.Giá vàng diễn biến theo chiều hướng đi xuống. Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số về kinh tế vĩ mô
Cụ thể:
+ GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%. Như vậy, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,39%, góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, góp 48,9% và dịch vụ tăng 6,9%, góp 41,4%. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%, dịch vụ chiếm 41,82%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,25%.
+ Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Ban chỉ đạo điều hành giá ký thông báo số 403/TB-BCĐĐHG
Ngày 22/6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban, Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký thông báo số 403/TB-BCĐĐHG thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 29 tháng 5 năm 2018.
Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Đặc biệt, đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, triệt để tiết giảm chi phí để không phải điều chỉnh giá điện trong năm nay.
Thông tư số 54/2018/TT-BTC về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2019
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương không được đề xuất ký kết các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên. Đây là một trong những quy định được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư số 54/2018/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019 - 2021.
Thu hút đầu tư FDI 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14,8% so với cùng kỳ
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa báo cáo sơ bộ tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71% kim ngạch xuất khẩu.
Về thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 20/6/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư...
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2018 tăng
Tháng 6, số doanh nghiệp được thành lập mới là 12.209 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 132.108 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 26,0% về số vốn đăng ký so với tháng 5 năm 2018.
Nghị định số 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, kể từ 1-7-2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2018 đối với các 8 loại đối tượng quy định cụ thể. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2018.
EC kéo dài áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đến tháng 1/2019
Ủy ban châu Âu (EC) quyết định kéo dài áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam đến tháng 1-2019. Với quyết định này, dự báo xuất khẩu loại mặt hàng này vào thị trường EU sẽ tiếp tục khó khăn. Thông tin từ VASEP cho biết, để khắc phục được “thẻ vàng” của EU, hải sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức lớn cần phải vượt qua.