Những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang là tâm điểm trong các mối quan ngại của giới đầu tư.
Cho tới nay các biện pháp áp thuế nhập khẩu mới đối với thép và nhôm nhập khẩu mà Tổng thống Trump công bố hồi đầu tháng này là tương đối nhỏ và hầu như chưa gây ảnh hưởng vĩ mô như về mặt lạm phát, tăng trưởng và việc làm của Mỹ. Nhưng việc đó tiềm ẩn những ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với thương mại giữa Mỹ và các nước khác trên toàn cầu.
14 tháng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục thực hiện cam kết triển khai các biện pháp mạnh tay đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà ông “dán nhãn” là không công bằng. Ngày 22/3, ông đã công bố kế hoạch áp thuế mới đối với các hàng hóa nhập khẩu trị giá lên tới 60 tỷ USD từ Trung Quốc và các biện pháp hạn chế khác đối với Bắc Kinh.
Chính quyền Mỹ lâu nay đã chuyển hướng điều tra theo Điều 301 đối với động thái của Trung Quốc đòi chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Việc Nhà Trắng sớm đi tới hành động trên là điều không nằm ngoài dự báo của các nhà quan sát, khi các cố vấn kinh tế theo chủ nghĩa “diều hâu” của ông Trump là Peter Navarro và Wilbur Ross đang chiếm ưu thế, sau khi Gary Cohn (cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump) từ chức.
Dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chĩa mũi dùi sang Trung Quốc, trong khi chính phủ của ông lại đưa ra những nhượng bộ thương mại đối với các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Brazil, Argentina, Australia và Hàn Quốc, trong đó tối thiểu cũng miễn trừ tạm thời việc áp thuế nhập khẩu thép và nhôm cho những nước này.
Động thái gia tăng các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump có thể dễ dàng dẫn tới kết cục trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu, hoặc chí ít thì cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên.
Phân tích đăng trên tờ “Financial Times” (của nước Anh) về vấn đề áp thuế nhập khẩu và tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô của nước áp đặt thuế nhập khẩu cho thấy một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ gâ ra một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng GDP của thế giới trong vài năm tới. Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ tình hình này có thể trở nên xấu đi.
Các nhà kinh tế hẳn không thể quên những bài giảng đầu tiên rằng các cuộc chiến tranh thương mại luôn gây nhiều tổn thất. Những ký ức về Đạo luật áp thuế nhập khẩu Smoot-Hawley hồi năm 1930 với việc cho phép Mỹ đánh thuế lên trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu vẫn chưa phai mờ.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt, thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng lên rõ ràng sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu xét trên tương quan với sản lượng. Điều đó sẽ dẫn tới những mặt được và mặt mất trong dài hạn.
Một số học thuyết thương mại quốc tế có từ nhiều thế kỷ qua cho thấy gần như không có gì phải tranh cãi rằng dòng chảy thương mại giảm sút sẽ khiến thuyết về lợi thế tương đối trở nên mất hiệu lực trong trường hợp này, đồng thời năng suất cũng sẽ bị ảnh hưởng và phúc lợi toàn cầu sẽ bị tổn thương.
Nguồn: TTXVN