Đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế

Theo Bộ Công Thương: Năm 2018, mục tiêu đặt ra là phấn đấu kim ngạch XK tăng khoảng 10% so với năm 2017; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch XK ở mức dưới 3%. Trước đó, trong năm 2017, tổng kim ngạch XNK đạt 425 tỷ USD, tăng 18,32% so với năm 2016. Trong đó, XK ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Thị trường XK tiếp tục được duy trì và mở rộng với trên 200 đối tác thương mại với 29 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),  trong quý I, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%. Về mặt hàng, đóng góp chủ lực vào XK quý đầu năm là những “gương mặt” quen thuộc như: Điện thoại và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 58,8%; hàng dệt may đạt 6,3 tỷ USD, tăng 12,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 22,3%; giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,9%; thủy sản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,2%; rau quả đạt 950 triệu USD, tăng 35,6%...

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng kết quả tăng trưởng XK nêu trên rất ấn tượng khi vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, không chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2017 mà còn cao hơn của cả năm 2008.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: XK hàng hóa quý I tiếp tục là một trong những động lực chủ yếu góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống dân cư. Đây là điều rất đáng mừng. Tín hiệu đáng mừng trong XNK hàng hóa được biểu hiện ở nhiều khía cạnh. Trước hết, trong XK, bên cạnh mặt hàng XK truyền thống, chủ lực trước đây, hiện nay XK có thêm nhiều mặt hàng chủ lực mới, đặc biệt là những mặt hàng nông sản, ví dụ như rau quả. “Có lẽ đến nay, nhiều người vẫn không thể ngờ rau quả lại có thể trở thành mặt hàng có kim ngạch XK vượt gạo, vượt dầu thô... Quan trọng là, nếu Việt Nam mở được thêm thị trường XK cho rau quả sẽ đem lại việc làm cho nhiều nông dân ở nhiều vùng chứ không phải chỉ tập trung ở một vài chỗ. Điều này giúp Việt Nam giảm dần XK tài nguyên theo chủ trương chung của Đảng“, TS. Phạm Tất Thắng nói.

Bên cạnh đó, theo TS. Phạm Tất Thắng, trong cơ cấu hàng hóa XK năm 2017 và đầu năm 2018, những mặt hàng có giá trị gia tăng cao vẫn chiếm một tỷ trọng tốt. Điều này thể hiện cơ cấu XK hàng hóa Việt Nam dần dần được cải thiện từ chỗ XK tài nguyên, lao động giá rẻ sang XK mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, một yếu tố nữa cần đánh giá cao là nhiều mặt hàng XK chủ lực trước đây chủ yếu là gia công như dệt may, da giày, bắt đầu từ năm 2017 và đầu năm 2018, hàm lượng làm gia công đã giảm đi. Những mặt hàng tự thiết kế, xây dựng thương hiệu, tìm bạn hàng và tự đưa vào những hệ thống phân phối của các nước NK đã tăng lên.

Khối FDI tiếp tục tỏa sáng

Mặc dù có mức tăng trưởng khả quan, song thực tế xem xét kỹ lưỡng “bức tranh” XNK quý I dễ thấy, tỷ trọng XK các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may. Nhìn nhận chung, cán cân thương mại trong cả quý I xuất siêu 1,3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.

Về điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: Xuất siêu chủ yếu do DN đầu tư nước ngoài đóng góp. Tuy nhiên, DN đầu tư nước ngoài xuất siêu, giá trị gia tăng tạo ra, lợi ích thực sự mà kinh tế Việt Nam có được từ xuất siêu, từ các DN đầu tư nước ngoài không cao. “Mặc dù không hề dễ dàng, song các DN Việt cần nỗ lực hơn rất nhiều để tăng XK, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Lưu Bích Hồ bày tỏ: Đây là một thực trạng chưa tốt của kinh tế Việt Nam, nhưng chưa thể giải quyết nhanh được. Thời gian tới, cần tập trung để các DN trong nước thoát nhanh hơn khỏi mô hình gia công đơn thuần với giá trị thấp, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Nỗ lực tìm kiếm thị trường

Dự báo về tình hình XK trong những quý tiếp theo cũng như cả năm 2018, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng, XK vẫn chủ yếu trông đợi vào các mặt hàng chủ lực đã tăng trưởng cao trong quý I như: Điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; rau quả. Hai mặt hàng thủy sản và sắt thép có thể sẽ khó khăn hơn trước do Hoa Kỳ đánh thuế bán phá giá, cần tìm cách thương lượng tháo gỡ. Các mặt hàng này và các mặt hàng giảm như dầu thô, cao su, sắn và sản phẩm của sắn, hạt tiêu... cần tìm cách thay thế bằng các mặt hàng khác hoặc thị trường khác, nhất là thúc đẩy gia tăng các mặt hàng còn đang có tiềm năng và khả năng tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến chế tạo, kể cả chế biến nông sản thực phẩm đang là một trọng điểm cần đẩy mạnh“, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chuyên gia Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm: Thời gian tới, XK điện thoại di động của Samsung cũng như XK nông, lâm sản vẫn tiếp tục tiến triển tốt. Tuy vậy, thị trường thế giới đang có những biến động. Nguy cơ sức ép từ thị trường Hoa Kỳ với nhôm thép và thủy sản Việt Nam tăng cao. Ngoài ra, từ 1/4, thị trường Quảng Tây (Trung Quốc) đã đặt ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc trái cây XK của Việt Nam, nghĩa là sản phẩm XK phải chứng minh nguồn gốc và phải được phía Trung Quốc ghi nhận. Trong khi đó, FTA Việt Nam-EU đến nay vẫn còn đang chờ đợi được phê duyệt. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần cố gắng rất lớn để tìm kiếm các thị trường mới và có chính sách thích hợp đối với các biến động trên thị trường thế giới.

Theo Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 3/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là phấn đấu kim ngạch XK hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.

Trong đó, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế XK, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016- 2020. Ngoài ra, gia trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản XK chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay và tăng dần tỷ trọng XK nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Về giải pháp gia tăng tính cạnh tranh cho hàng XK Việt Nam, Đề án nêu rõ: Khuyến khích DN FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các mặt hàng công nghiệp XK chủ lực (dệt may, giày dép, điện tử, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, dụng cụ); khuyến khích, hỗ trợ DN FDI liên kết với DN trong nước trong sản xuất, kinh doanh hàng XK… Đồng thời, ưu tiên và tạo thuận lợi cho DN FDI tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành có tiềm năng XK mà DN trong nước còn yếu…

Nguồn: Baohaiquan.vn