Lợi nhuận tại một nhà máy lọc dầu phức hợp điển hình tại Singapore giảm xuống 5,93 USD/thùng trong ngày 5/1, thấp nhất kể từ 23/5/2017. Tính theo mùa, lợi nhuận này là thấp nhất kể từ năm 2010 trong thời điểm đầu tháng 1.
Sự sụt giảm lợi nhuận có thể làm giảm tốc độ tăng nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu châu Á trong ngắn hạn và gây áp lực cho giá toàn cầu.
Nevyn Nah, nhà phân tích sản phẩm dầu mỏ tại công ty Energy Aspects, Singapore cho biết “chúng tôi vẫn dự đoán tích cực về lợi nhuận lọc dầu toàn cầu trong năm nay, đặc biệt trong nửa đầu năm 2018, khi thiếu sự bổ sung công suất đáng kể vào đầu năm nay và đà tăng trưởng nhu cầu toàn cầu hiện nay”.
Lợi nhuận lọc dầu đạt hơn 7 USD/thùng trong hầu hết quý 4/2017, khuyến khích các nhà máy lọc dầu từ Trung Quốc tới Thái Lan tăng cường sản xuất. Khối lượng dầu thô đã xử lý của bốn nước lọc dầu lớn nhất khu vực này về công suất - Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc - đạt mức cao kỷ lục khoảng 23 triệu thùng/ngày trong tháng 10, theo số liệu của Eikon.
Lợi nhuận sản xuất xăng và naphtha dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận tổng thể. Gần đây giá naphtha tăng (nguyên liệu này dùng trong hóa dầu và sản xuất xăng) đã thu hút khối lượng xuất khẩu naphtha cao nhất trong hai năm từ phương tây sang châu Á .
Trung Quốc cũng nâng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã lọc đối với 4 nhà máy dầu lớn của nhà nước thêm 30% trong đợt cấp phép đầu tiên cho năm 2018.
Hạn ngạch với xăng lớn hơn so với trước đó và được dự kiến gây sức ép cho lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Á. Giá xăng cao hơn dầu thô Brent chưa tới 7 USD/thùng trong ngày 3/1, lần đầu tiên dưới 7 USD kể từ tháng 9/2016.
Nhu cầu dầu mazut tại châu Á bị thiệt hại sau khi Pakistan cho biết họ ngừng nhập khẩu nhiên liệu vô thời hạn do họ chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện. Điều này đã làm giảm khoảng 400.000 tới 650.000 tấn nhu cầu dầu mazut hàng tháng.
Nguồn: VITIC/Reuters