Nhu cầu dầu thế giới đã tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý I/2016 so với cùng quý năm 2015, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong khi dự báo là chỉ tăng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Điều đó kết hợp với sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Canada, Nigeria, Lybia, Iraq và Venezuela, và sự sụt giảm sản lượng dầu đá phiến Mỹ là cơ sở để IEA dự báo “xu hướng thị trường dầu đang tiến tới sự cân bằng”, và dư thừa dầu thô toàn cầu sẽ giảm từ mức 1,3 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm xuống chỉ còn 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2016.
Tuy nhiên, trong khi IEA cho biết tiêu thụ dầu của Mỹ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay, và Ấn Độ dự báo sẽ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, thì tổ chức này cũng cho biết nhu cầu ở các khu vực khác và các loại nhiên liệu khác như diesel vẫn ảm đạm.
Mỹ Latinh và Trung Đông cho tới năm 2014 vẫn nằm trong số những thị trường điều khiển mạnh nhất tiêu thụ dầu mỏ, nhưng nay tiêu thụ đang chậm lại do kinh tế sa sút. Tiêu thụ nhiên liệu của Brazil thậm chí còn sụt giảm do kinh tế suy thoái.
Tiêu thụ diesel và các sản phẩm chưng cất khác bị ảnh hưởng bởi mùa đông ở bán cầu Bắc ấm áp và nhu cầu vận chuyển trì trệ hoặc giảm sút ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.
Việc giảm hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực dầu, khí và khai thác mỏ tiếp tục ảnh hưởng tới giá cước phí vận tải nguyên liệu và hàng hoá thiết bị, trong khi ngành bán lẻ và phân phối cũng chật vật với những đống hàng tồn kho.
Những lo sợ hồi đầu năm về khả năng kinh tế thế giới đột ngột rơi vào suy thoái đã chứng tỏ thiếu cơ sở, nhưng kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khiến nhu cầu mọi hàng hoá đều trở nên chậm chạp. Điều này thể hiện ở dự đoán của IEA rằng tiêu thụ các nhiên liệu khác không kể xăng ở Mỹ sẽ giảm 20.000 thùng/ngày trong năm 2016 trước khi trở lại tăng 120.000 thùng/ngày vào năm 2017.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak hôm 12/5 nhận định thị trường dầu toàn cầu sẽ vẫn dư thừa 1,5 triệu thùng/ngày và sẽ chưa thể cân bằng trước nửa đầu năm 2017.
Những cuộc họp về kế hoạch đóng băng sản lượng dầu của OPEC và các nước sản xuất ngoài OPEC nhiều lần vẫn chưa đi đến kết quả nào, “cho thấy thị trường sẽ chưa thể cân bằng trước nửa đầu năm 2017”, ông Alexander Novak cho biết. Tuy nhiên, với thiện chí của các nước sản xuất dầu, ông hy vọng giá sẽ tăng lên 50 USD/thùng vào cuối năm nay.
Cũng trong ngày 12/5 vừa qua, ông cho biết chưa có cuộc đàm phán mới với các nước sản xuất khác về việc đóng băng sản lượng, nhưng Nga đã sẵn sàng quay lại bàn bạc về vấn đề này nếu các nước khác đề xuất. Nga và Qatar đã lên kế hoạch thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ tại cuộc họp uỷ ban liên chính phủ tại Moscow sẽ diễn ra vào ngày 3/6 tới, một ngày sau cuộc họp thường kỳ của OPEC tại Vienne.
Trong một báo cáo phát đi hôm 13/5, OPEC cũng cho rằng thị trường dầu toàn cầu đã dư thừa nhiều và có dấu hiệu lượng dư thừa sẽ tăng trong năm nay, do sản lượng của các nước thành viên OPEC tăng lên để lấp đầy phần sản lượng giảm ở những nước khác – những nơi sản xuất gặp khó khăn do giá giảm.
Nguồn cung từ OPEC đang tăng trở lại sau khi lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, và sáng kiến đóng băng sản lượng cùng với Nga và các nước sản xuất khác không thuộc OPEC để giải quyết tình trạng dư cung tháng qua được bàn bạc nhưng chưa dẫn tới giải pháp nào.
OPEC đã bơm 32,44 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4/2016, theo báo cáo hàng tháng tổ chức này công bố, tăng 188.000 thùng/ngày so với tháng 3, là mức cao nhất kể từ ít nhất là 2008.
Như vậy, “về cơ bản, thị trường vẫn đang thừa cung” và “Sản lượng dầu vẫn rất cao”, báo cáo của OPEC viết. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá.
Giá dầu mặc dù đã hồi phục lên 47 USD/thùng từ mức thấp nhất 12 năm là 27,10 USD hồi tháng Giêng, song vẫn chưa bằng một nửa mức giá hồi giữa năm 2014. Việc OPEC thay đổi chiến lược năm 2014 nhằm bảo vệ thị phần trước các đối thủ đã “giúp” cho giá dầu giảm sâu như vậy.
Giá giảm đang ảnh hưởng tới nguồn cung của các nước ngoài OPEC, khiến các công ty năng lượng trên toàn cầu phải hoãn hoặc huỷ bỏ các dự án dầu. OPEC dự báo dư cung của các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ giảm khoảng 740.000 thùng/ngày trong năm 2016, giảm mạnh nhất ở Mỹ.
OPEC cũng dẫn ra một số yếu tố khác có thể khiến nguồn cung giảm nhiều hơn, như ảnh hưởng từ cháy rừng ở Canada. Và những yếu tố này có thể khiến thị trường dầu hồi phục vào năm tới.
Tuy nhiên, nguồn cung từ OPEC vẫn tăng từ sau khi thay đổi chiến lược năm 2014, dẫn đầu là hai nước sản xuất lớn nhất là Saudi Arabia và Iraq. Việc Indonesia trở lại là thành viên của OPEC vào tháng 12/2015 cũng góp phần làm tăng sản lượng của tổ chức.
Từ đầu năm tới nay, Iran vẫn đang tăng sản lượng. Tehran đã từ chối tham gia kế hoạch đóng băng sản lượng và việc đàm phán về sáng kiến này đã thất bại trong cuộc họp hôm 17/4 tại Doha sau khi Saudi Arabia tái khẳng định sẽ không "đóng băng" sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.
Trong báo cáo tháng 5 này, OPEC vẫn giữa nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Hộ dự đoán dư thừa dầu thô trung bình năm 2016 sẽ ở mức 950.000 thùng/ngày nếu OPEC vẫn bơm dầu với tốc độ như tháng 4 vừa qua, tăng so với mức dư thừa 790.000 thùng/ngày dự báo hồi tháng 4.
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Trí thức trẻ