Trong nước, giá gas bất ngờ tăng mạnh lên đến 24.000 đồng/bình 12kg – đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Mức giá này được áp dụng kể từ ngày 1-10.
Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng tối đa là 330.000 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân giá gas tháng 10 tăng được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 427,5 USD/ tấn, tăng lên 72,5 USD mỗi tấn so với tháng trước. Vì vậy các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Người dùng sẽ phải trả thêm 2.000 đồng cho mỗi kg gas so với tháng 9, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đây là đợt tăng giá trở lại sau 4 tháng liên tiếp giá nhiên liệu này điều chỉnh và đi ngang.
Đây là lần đầu tiên trong năm 2019 giá gas tăng mạnh nhất. Như vậy, sau sáu tháng tăng giá, giá gas tăng tổng cộng 66.000 đồng/bình 12 kg.
Biến động tăng/giảm giá khí gas trong nước và thế giới thời gian qua

Trên thế giới, giá khí gas tiếp đà giảm nhẹ những ngày đầu tuần do nguồn cung khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng 102 Bcf trong tuần kết thúc vào ngày 20/9. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong tuần với sự kết hợp giữa nhu cầu sưởi ấm và làm mát.
Giá gas hôm 30/9 giảm 0,21% xuống còn 2,39 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11 vào lúc 10h49 (giờ Việt Nam). Giá gas tiếp tục giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày kế tiếp (1/10) trong bối cảnh tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm 3% so với tuần trước.
Giá gas hôm nay (1/10) giảm 0,26% xuống còn 2,32 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11 vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm 3% so với tuần trước, theo FXempire.
Lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ cho sản xuất điện giảm 6%. Tiêu thụ khu vực công nghiệp không đổi, trung bình 21,1 Bcf/ngày, khu vực dân cư và thương mại tăng 7%. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Mexico tăng 6%.
Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung dự kiến đang vượt xa nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 2/10 giá khí gas đã phục hồi trở lại dù nguồn cung tăng. Nguồn cung khí đốt tự nhiên Mỹ trung bình tăng 1% so với tuần trước và các thương nhân dự báo tổng lượng tồn kho gas sẽ tăng 95 Bcf. Giá gas tăng 0,22% lên 2,3 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11 vào lúc 8h00 (giờ Việt Nam).
Và xu hướng tăng tiếp diễn cho đến cuối tuần. Chốt phiên giao dịch ngày 4/10 giá khí gas tăng ngày thứ ba liên tiếp dù tồn kho tăng nhiều hơn dự kiến.
Giá gas ngày 4/10 tăng 0,51% lên 2,35 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11 vào lúc 8h22 (giờ Việt Nam).
Theo EIA, tổng lượng tồn kho gas đạt 3.317 Bcf tính đến thứ Sáu (27/9), tăng 112 Bcf so với tuần trước đó trong khi tồn kho gas được kì vọng sẽ tăng 95 Bcf.
Ở mức 3.317 Bcf, tồn kho gas đã tăng 465 Bcf so với cùng kì năm ngoái và giảm 18 Bcf so với mức trung bình 5 năm là 3.335 Bcf.
Bên cạnh đó, thời tiết dự kiến sẽ ôn hòa trong 8 - 14 ngày tới, cả hai nhu cầu sưởi ấm và làm mát đều bị hạn chế.
Theo Tân Hoa xã, chi nhánh mỏ dầu Tarim của PetroChina, nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất Trung Quốc, cho biết đã phát hiện một mỏ khí đốt lớn với ước tính dự trữ 115,3 tỉ m3 tại mỏ Tarim của Tân Cương.
Theo ông Tian Jun, Phó Tổng Giám đốc của PetroChina, công ty đã hoàn thành thử nghiệm thành công tại một giếng trên mỏ khí đốt, với sản lượng mỗi ngày đạt 418.200 m3 khí đốt tự nhiên và 115,15 m3 khí ngưng tụ.
Mỏ khí đốt được ước tính chứa 115,3 tỉ m3 khí tự nhiên và 21,66 triệu tấn khí ngưng tụ, ông Tian cho biết.
Đại diện của công ty cho biết mỏ khí dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất trong tháng 11.
Mỏ dầu Tarin cung cấp khí đốt tự nhiên cho tổng cộng 15 tỉnh tại phía bắc và đông Trung Quốc thông qua các đường ống dẫn khí Tây sang Đông.

Nguồn: VITIC