Kể từ 1/1/2018, Petrolimex điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá bán xăng không chì RON 95- III vùng 1 và vùng 2 lần lượt là 19.280 đồng/lít và 19.660 đồng/lít. Giá xăng sinh học E5 RON 92-II ở 2 vùng lần lượt là 19.480 và 19.860 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S-II ở mức 15.160 đồng/lít đối với vùng 1 và 15.460 đồng/lít đối với vùng 2.
 
Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, cả nước sẽ ngừng bán xăng khoáng RON 92 mà thay vào đó là xăng sinh học E5 RON 92-II.
Giá bán lẻ vùng 1 là mức bán áp dụng thống nhất tròn hệ thống phân phối của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Giá bán lẻ vùng 2 là mức giá tối đa, áp dụng đối với địa bàn kinh doanh vùng 2, mức giá bán cụ thể do Chủ tịch kiêm Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty quy định.
Giá bán buôn mazut là giá bán tại kho trung tâm bên bán, hàng được giao trên phương tiện bên mua.
Thế giới thị trường dầu mỏ đã khép lại phiên giao dịch cuối năm với diễn biến tích cực, khi giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) và dầu Brent Biển Bắc đều nằm trên mốc 60 USD/thùng.
Áp lực gia tăng đối với hoạt động cung ứng dầu trên toàn cầu là nhân tố chính hậu thuẫn giá “vàng đen” trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua.
Ngày 26/12, Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết, một vụ nổ trên đường ống dẫn dầu tại Zaggut ở miền Nam đến Al-Sidra, một trong những cảng vận chuyển dầu chủ yếu phục vụ xuất khẩu ở miền Bắc, đã khiến sản lượng dầu của nước này bị sụt giảm.
Do ảnh hưởng từ vụ nổ, sản lượng dầu của đất nước Bắc Phi này được dự báo sẽ giảm từ 70.00 đến 100.000 thùng/ngày. Thêm vào đó, nhu cầu dầu và khí đốt tại Mỹ được cho là sẽ tăng cao trong bối cảnh thời tiết giá lạnh.
Bộ Năng lượng Mỹ mới đây cho biết kho dầu thô dự trữ ở nước này giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12. Việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô cũng góp phần nâng giá dầu lên.
Điểm tối duy nhất của thị trường dầu trong tuần giao dịch ngắn ngày vừa qua là ngày 27/12, do hoạt động bán tháo chốt lời.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (29/12), cũng là phiên khép lại năm 2017, thị trường năng lượng lại khởi sắc, giữa bối cảnh tâm lý lạc quan ngày càng gia tăng, khi tình trạng dư cung cuối cùng cũng đã dịu bớt, nhờ nhu cầu tăng mạnh cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 2/2018 tăng 58 xu Mỹ (1%), lên 60,42 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 23/6/2015, giá dầu WTI vượt mức 60 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2018 cũng tiến 71 xu Mỹ (1,1%), lên 66,87 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI tăng 3,3% và dầu Brent tăng 0,6%.
Nhìn chung, giá hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận diễn biến tích cực trong tháng 12, trong quý IV/2017 và cả năm 2017. Cụ thể, dầu WTI tăng 5,3% trong tháng 12 này, 17% trong quý IV và 12,5% cả năm. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tăng 5,2% trong tháng 12, 16% trong quý IV và 18% cả năm 2017.
Giá dầu phiên cuối tuần còn được hỗ trợ bởi báo cáo mới nhất từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm nhẹ trong tuần qua. Tuy nhiên, trong năm qua, tổng số giàn khoan tại Mỹ đã tăng 271 giàn lên 929 giàn.
Cũng trong phiên 29/12, giá dầu sưởi ấm giao tháng 1/2018 tăng 2,34 xu (tương đương 1,1%) lên 2,0755 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/2/2015. Giá dầu sưởi ấm đã tăng vọt 22% trong năm nay, 15% trong quý này, 10% trong tháng 12 và 5,4% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên giao tháng 2/2018 cũng cộng 3,9 xu Mỹ (tương đương 1,3%) trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã sụt 21% trong năm 2017, mất 1,8% trong quý IV vừa qua, giảm 2,4% trong tháng 12, nhưng bật tăng 11% trong tuần này.

Nguồn: VITIC/Bnews.vn