Ngày 20/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định đồng loạt tăng giá xăng dầu từ 15h. Giá xăng tăng trong khoảng 385-434 đồng/lít, lên trên 18.580 đồng/lít đối với RON 92.
Cụ thể, giá xăng RON 92 tăng 434 đồng/lít; xăng E5 tăng 385 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 408 đồng/lít; dầu hỏa tăng 419 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 473 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng RON 92 không cao hơn 18.580 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 18.243 đồng/lít.
Riêng dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.019 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 13.617 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.382 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải xả mạnh quỹ bình ổn giá xăng dầu lên gấp đôi.
Cụ thể, mức chi bình ổn giá với xăng khoáng là 600 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 300 đồng/lít); xăng E5 600 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 300 đồng/lít); dầu diesel 300 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 250 đồng/lít); dầu hỏa 400 đồng/lít (kỳ trước sử dụng 200 đồng/lít); dầu mazut 350 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 270 đồng/kg).
Giá xăng dầu điều chỉnh từ 15h ngày 20/11. Đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng dầu tăng.
Bảng giá sau khi điều chỉnh

Trên thị trường thế giới giá dầu mỏ bứt phá trong những phiên cuối tuần.
Sự bứt phá này được cho là trước thông tin một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada phải đóng cửa khiến nguồn cung dầu sang Mỹ sụt giảm.
Vào phiên đầu tuần (20/11), giá dầu đi xuống, nối dài sự sụt giảm của giá “vàng đen” trong thời gian gần đây trước khi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra.
Bên cạnh đó, sự tăng giá của đồng USD cũng tác động tới thị trường. Đồng bạc xanh đã tăng 0,4% so với euro sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức thất bại, có thể làm tăng tình hình bất ổn tại Liên minh châu Âu (EU).
Bước sang phiên giao dịch ngày 21/11, giá dầu lấy lại đà tăng, nhờ sự yếu đi của đồng USD và hoạt động mua vào của giới đầu tư sau khi giá giảm trong phiên trước.
Các chuyên gia nhận định phiên này giới đầu tư vẫn tiếp tục chờ đợi cuộc họp của OPEC dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới.
OPEC và một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác, trong đó có Nga, dự định sẽ nhóm họp vào ngày 30/11 để thảo luận về việc liệu có nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nữa hay không nhằm chấm dứt tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá "vàng đen".
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch 22/11, giá dầu Mỹ đã chạm mức cao nhất trong hai năm qua sau khi một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada phải đóng cửa khiến nguồn cung dầu sang Mỹ sụt giảm.
Cụ thể, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) vào cuối phiên này tăng 1,19 USD, hay 2% lên 58,02 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 75 xu Mỹ (1,2%) lên 63,32 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên này do những quan ngại về nguồn cung từ tuyến đường ống dẫn dầu Keystone bị cắt giảm và sau khi Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 6,4 triệu thùng trong tuần trước, song đà tăng của giá "vàng đen" sau đó phần nào bị thu hẹp sau khi số liệu hàng tuần của Mỹ cho thấy lượng dầu dự trữ chỉ giảm 1,9 triệu thùng, thấp hơn con số nêu trong báo cáo của API.
Sau khi thị trường nghỉ lễ ngày 23/11, giá dầu tiếp tục vọt lên mức cao mới trong hơn hai năm trong phiên 24/11, giữa lúc mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do sự đóng cửa của đường ống Keystone tiếp tục chi phối tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường.
Chốt phiên này, giá dầu WTI tăng 93 xu Mỹ (1,6%) lên 58,95 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 31 xu Mỹ (0,49%) lên 63,86 USD/thùng. Các nhà giao dịch cho biết khối lượng giao dịch trong phiên khá mỏng, do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn tại Mỹ.
Việc tái khởi động đường ống Keystone với công suất dẫn đầu đạt 590.000 thùng/ngày (đã phải đóng cửa hồi tuần trước do sự cố rò rỉ dầu) có thể phải mất nhiều tuần.
TransCanada Corp, nhà vận hành đường ống này, cho biết sẽ cắt giảm 85% lượng dầu được dẫn từ các mỏ cát dầu ở Alberta sang các nhà máy và công ty lọc dầu của Mỹ.
Nguồn cung xăng dầu của Mỹ lâu nay vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định tiến độ khắc chế tình trạng dư cung toàn cầu.
Nguồn: VITIC/bnews.vn

Nguồn: Vinanet