Chiều ngày 7 - 6, Liên Bộ Công Thương Tài chính đã phát đi thông tin về điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được giữ nguyên so với cách đây 15 ngày, mỗi lít xăng RON 95 ở mức 21.540 đồng; xăng E5 RON 92 là 19.940 đồng; dầu diesel 17.690 đồng, dầu hoả là 16.440 và dầu madut ở mức 14.435 đồng.
So với giá bán tối đa tại kỳ điều hành trước liền kề, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường tại kỳ điều hành lần này tăng 1.270 đồng một lít xăng E5 RON92; xăng RON 95 là 698 đồng; dầu diesel tăng 156 đồng. Vì lẽ đó nhà điều hành tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn để kìm giữ giá bán lẻ trong nước. Cụ thể, mức chi quỹ cho xăng E5 RON 92 là 1.270 đồng một lít; xăng RON 95 698 đồng một lít...
Thế giới
Sản lượng dầu của Mỹ gia tăng không ngừng tạo sức ép lên thị trường dầu mỏ, bất chấp mối quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã xuất hiện trong thời gian gần đây do hoạt động sản xuất dầu gián đoạn tại Iran và Venezuela.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tuần trước thông báo sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 3/2018 tăng 2,1% so với tháng 2/2018, lên 10,474 triệu thùng/ngày. Con số này tăng 14,6% so với tháng 3/2017.
Điều này khiến giá hai loại dầu chủ chốt là WTI và Brent đồng loạt mất hơn 1 USD ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (4/6).
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu ngọt nhẹ tại thị trường Mỹ giảm xuống dưới 65 USD/thùng, khi EIA công bố báo cáo cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/6, trái với dự báo giảm 1,8 triệu thùng.
EIA cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 10,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi ngay sau đó khi Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria, Mustapha Guitouni, khẳng định rằng OPEC sẽ tập trung vào việc cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường trong cuộc họp sắp tới.
Trong khi Iraq - một thành viên khác của OPEC - cũng cho rằng đề xuất tăng sản lượng khai thác của tổ chức có thể không được đưa ra bàn luận trong cuộc họp ngày 22/6 tới.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/6, giá dầu thế giới kỳ hạn quay đầu đi xuống, giữa bối cảnh giới đầu tư đang thận trọng trước cuộc họp cuối tháng của OPEC.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2018 mất 21 xu Mỹ (0,3%), xuống 65,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu này hạ 0,1%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2018 cũng giảm 86 xu Mỹ (1,1%), xuống 76,46 USD/thùng. Như vậy, dầu Brent ghi dấu tuần mất giá thứ hai trong vòng ba tuần qua, với mức giảm 0,4%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Venezuela – một thành viên OPEC- đang làm giảm mạnh sản lượng dầu của nước này, trong khi việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba OPEC, được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng của nước này.
Tuy vậy, hồi đầu tuần này, Chính phủ Mỹ đã "kín đáo" yêu cầu Saudi Arabia và một số nhà sản xuất khác của OPEC tăng khai thác dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày để làm dịu đà tăng của giá dầu, vốn bật mạnh kể từ cuối năm 2017.
Kể từ đầu năm nay, giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng 14%.Thêm một nhân tố tạo sức ép giảm cho giá dầu là nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc giảm còn 9,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2018, sau khi chạm mức cao kỷ lục ( 9,6 triệu thùng/ngày) trong tháng trước đó do các nhà máy lọc dầu của nước này sắp bước vào giai đoạn bảo trì.
Cũng trong ngày 8/6, báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần đã tăng thêm 1 giàn, lên 862 giàn, sau khi đã tăng 2 tuần trước đó.