Theo thông báo của liên Bộ Công Thương – Tài Chính, giá xăng và dầu diesel trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm 1.100 đồng/lít kể từ 15h chiều 6/11/2018, trong khi dầu hỏa, madut giữ nguyên.
Cụ thể, giá bán lẻ xăng trong nước giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít, lần lượt 1.138 đồng với xăng RON 95 và 1.082 đồng với xăng E5 RON 92; dầu diesel giảm 67 đồng còn dầu hoả và madut giữ nguyên giá bán.
Sau điều chỉnh, dầu diesel 18.544 đồng một lít. Còn xăng E5 RON 92 có giá mới tối đa 19.600 đồng; xăng RON 95 là 21.065 đồng một lít. Dầu hoả giữ nguyên 17.080 đồng một lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 2 lần giảm và 12 lần giữ ổn định. Tổng cộng, giá xăng đã tăng thêm hơn 1.000 đồng mỗi lít so với đầu năm.
Giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 10/11/2018

ĐVT: Đồng

Trên thế giới, trong phiên giao dịch chiều 9/11, giá dầu trên thị trường châu Á biến động nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nguồn cung gia tăng, cùng với tâm lý lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Tại thị trường Singapore vào lúc 13 giờ 29 phút giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng nhẹ 0,06 USD so với mức giá của cuối phiên trước, lên 65,73 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao kỳ hạn (vào tháng 12/2018) tăng 0,19 USD lên 70,84 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và Brent đều ghi dấu tuần giảm thứ năm liên tiếp, với mức giảm lần lượt là hơn 4% và 3% so với tuần trước. Cả hai loại dầu thô này đều đã giảm gần 20% so với mức cao nhất trong 4 năm qua đã đạt được vào đầu tháng 10/2018.
Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu giảm chủ yếu do áp lực từ nguồn cung ứng tăng cao, cho dù các lệnh trừng phạt đợt hai của Mỹ đối với Iran có hiệu lực trong tuần này, và cùng với đó là tâm lý lo ngại của thị trường về khả năng kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Các chuyên gia phân tích thuộc Bernstein Energy cho rằng việc xuất khẩu dầu mỏ của các thành viên trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục tăng và các kho dự trữ “vàng đen” đang đầy lên, là những yếu tố gây áp lực giảm giá dầu thô.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm một khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran kể từ ngày 5/11. Tuy nhiên, việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Iran dường như không làm cho nguồn cung ứng dầu mỏ trên thị trường thiếu hụt nhiều như dự kiến ban đầu, bởi Washington đã cho phép nhiều quốc gia tiếp tục mua dầu thô từ Iran trong ít nhất sáu tháng (180 ngày).
Nhờ việc Mỹ “nới lỏng” lệnh trừng phạt kể trên, Trung Quốc cùng sáu quốc gia khác vẫn tiếp tục được nhập khẩu dầu mỏ từ đất nước Hồi giáo này. Bernstein Energy dự báo “xuất khẩu dầu của Iran sẽ ở mức trung bình 1,4-1,5 triệu thùng mỗi ngày” trong 180 ngày được phép, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh gần 3 triệu thùng/ngày của giữa năm 2018.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnews.vn, TTXVN 

Nguồn: vinanet