Chính phủ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất với PDVSA trong cuối tháng 1/2019, gây gián đoạn dòng chảy bất ngờ từ Venezuela sang Mỹ, nước trước đây là điểm đến xuất khẩu dầu thô hàng đầu của thành viên OPEC này.
Tổng lượng xuất khẩu của Venezuela giảm 40% trong tháng đầu tiên sau các lệnh trừng phạt, nhưng xuất khẩu vẫn ổn định kể từ đó chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ. PDVSA không đáp lại yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, điều đó có vẻ thay đổi trong tháng 5/2019, do giai đoạn để các công ty Mỹ kết thúc các thỏa thuận với PDVSA đã hết hạn vào ngày 28/4/2019. Các chương trình nạp dầu (liên quan tới lịch trình xuất khẩu) là yếu trong tháng 5/2019, theo các tại liệu nội bộ của PDVSA và số liệu của Eikon cho thấy xuất khẩu có thể giảm trong những tuần tới.
Sau ngày 28/4/2019, các giao dịch mua dầu mỏ hay nhiên liệu từ PDVSA hay các công ty được PDVSA kiểm soát liên quan tới người Mỹ, hệ thống tài chính của Mỹ hay các nhà môi giới hàng hóa của Mỹ đã bị Bộ Tài chính Mỹ cấm, gồm cả các giao dịch hoán đổi và không dùng tiền mặt.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt để cắt bỏ nguồn thu nhập chính của Tổng thống Nicolas Maduro. Nhiều chính phủ phương Tây đã công nhận Juan Guaido, người đứng đầu quốc hội Venezuela là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia này, nhưng phe đối lập vẫn chưa lật đổ được Maduro.
Trong tháng 4/2019, PDVSA đã xuất khẩu tổng cộng 35 lô dầu, chủ yếu từ cảng Jose của Venezuela. Điểm đến chính của các lô hàng này là Trung Quốc, chiếm gần 1/3 xuất khẩu của Venezuela, tiếp theo là Ấn Độ với 27% và Châu Âu với 10%.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC và các công ty con là khách hàng lớn nhất của PDVSA; họ nhận dầu thô Venezuela như một khoản hoàn nợ hàng tỷ USD được Trung Quốc gia hạn cho Venezuela vay trong thập kỷ trước.
Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela vẫn ổn định sau khi các lệnh trừng phạt, một phần do tồn kho. Dự trữ dầu thô của quốc gia này đã giảm 3,8 triệu thùng kể từ cuối tháng 2/2019 xuống khoảng 32 triệu thùng, theo công ty tư vấn Kpler.
Reliance Industries, khách hàng lớn nhất của PDVSA ở Ấn Độ, tháng trước đã mua dầu Venezuela từ các bên thứ 3, gồm Rosneft của Nga do thỏa thuận không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi các biện pháp này được công bố, Rosneft đã tăng cường các thỏa thuận hoán đổi với PDVSA để đổi dầu của PDVSA lấy nhiên liệu nhập khẩu cần thiết tại Venezuela. Trong tháng 4/2019, Rosneft nhận ít nhất 160.000 thùng dầu thô của Venezuela mỗi ngày và cung cấp khoảng 29% sản phẩm đã tinh chế mà nước này đã mua, theo tài liệu của PDVSA và số liệu của Eikon.
Tháng trước PDVSA xuất khẩu trung bình 51.355 thùng/ngày sang Cuba thậm chí sau các lệnh trừng phạt cụ thể với các lô hàng đó. Xuất khẩu gần đây nhất, 300.000 thùng dầu diesel trên tàu Manuela Saenz treo cờ Venezuela đã rời cảng Amuay vào cuối tháng 4/2019 để tới Cuba.
Venezuela đã nhập khẩu 192.535 thùng dầu và sản phẩm đã lọc trong tháng 4/2019, giảm 12% so với tháng trước. Trong đó gồm 976.000 thùng dầu Agbami của Nigeria được sử dụng để pha loãng dầu thô cực nặng từ hai dự án tại vành đai Orinoco.
Đây là lần đầu tiên Venezuela đã nhập khẩu dầu thô trong 4 năm. PDVSA đã là một khách hàng thường xuyên nhập khẩu dầu trong những năm gần đây cho các nhà máy lọc dầu tại Curacao và Cuba, nhưng đã dừng nhập khẩu dầu thô để sử dụng trong nước năm 2015 khi các thỏa thuận mua dầu thô của Algeria và Nga kết thúc.
Kể từ khi các lệnh trừng phạt cấm các công ty của Mỹ bán chất pha loãng cho PDVSA, công ty này đã khó khăn để tìm chất thay thế dầu thô cực nặng và sản xuất các loại có thể xuất khẩu. Trong tháng 4/2019, PDVSA đã dỡ chỉ 1 lô hàng naphtha đã nhập khẩu và 3 lô nữa được Rosneft cung cấp đang đợi để dỡ trong tháng 5/2019.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet