Trong vài tuần gần đây, đồng euro đã giảm giá mạnh so với USD với phần lớn nguyên nhân là do nhà đầu tư dự báo rằng các NHTW của hai bên bờ Đại Tây Dương là Fed và ECB sẽ điều hành lãi suất theo hai hướng hoàn toàn trái ngược.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang chia rẽ về vấn đề đồng euro sẽ giảm giá sâu đến mức nào. Đến phiên hôm qua (25/11), euro đã chạm đáy thấp nhất 7 tháng, giao dịch ở gần mức 1,06 USD đổi 1 euro.

Ở thời điểm hiện tại, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cho rằng một vài yếu tố có thể ngăn chặn đà giảm điểm của đồng euro: nếu hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhu cầu về đồng euro giao ngay sẽ tăng lên. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng đã tính đến sự đối lập giữa chính sách tiền tệ của ECB và Fed trong mức giá hiện tại. Đồng thời, lịch sử cho thấy không nhất thiết USD tăng giá cùng lúc với euro giảm giá khi Mỹ nâng lãi suất còn châu Âu cắt giảm lãi suất.

Cuộc tranh luận kể trên nhấn mạnh mối quan hệ giữa các kỳ vọng về lãi suất và tỷ giá. Trên thực tế, mối quan hệ này thường phức tạp hơn nhiều so với những gì được miêu tả trong những cuốn sách giáo khoa kinh tế. Không phải lúc nào lãi suất tăng cũng đồng nghĩa với đồng nội tệ mạnh hơn.

Daragh Maher, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại ngân hàng HSBC, nhận định: “ECB in thêm tiền trong khi Fed nâng lãi suất, đó là sự thực ăn sâu vào câu chuyện về euro và USD. Tuy nhiên, bạn phải thừa nhận rằng xét về góc độ nào đó thì triển vọng chính sách tiền tệ của ECB và Fed đã được tính vào tỷ giá rồi”. Maher dự báo euro sẽ không giảm quá sâu và đến cuối năm 2016 sẽ phục hồi, lên mức khoảng 1,20 USD đổi 1 euro.

Dù nhiều người đặt cược euro sẽ giảm giá trong tương lai, họ vẫn nhận thức được một sự thực rằng Fed và ECB hành động trái ngược nhau là chưa đủ: để đồng euro giảm giá mạnh, lãi suất sẽ phải biến động ngược chiều với mức độ mạnh hơn so với dự báo của thị trường.

Hiện tại, mức giá trên thị trường tương lai cho thấy nhà đầu tư dự báo đến cuối năm 2016 Fed chỉ có 3 lần nâng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong khi đó lãi suất của ECB được dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ. Cả Fed và ECB đều bước đi những bước rất thận trọng.

Nếu cả Fed và ECB đều hành động vào đầu tháng 12, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua (và lần đầu tiên kể từ khi đồng euro ra đời) lãi suất của Mỹ và châu Âu cùng biến động trong một tháng mà lại ngược chiều nhau. Tháng 5/1994, 5 năm trước khi có đồng tiền chung châu Âu, Fed cũng nâng lãi suất trong khi NHTW Đức hạ lãi suất.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chính USD lại giảm giá so với đồng mark Đức. Cũng có lần đồng bạc xanh đã giảm giá sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất. 6 tháng đầu tiên trong chu kỳ tăng lãi suất gần đây nhất của Fed (bắt đầu từ tháng 6/2004), euro tăng từ mức 1,21 USD đổi 1 euro lên 1,35 USD đổi 1 euro. Sau đó đồng tiền chung châu Âu tiếp tục tăng giá trong nhiều năm sau đó và vị thế của đồng tiền này trên trường quốc tế cũng dần dần tăng lên.

Một số chuyên gia phân tích đang hi vọng lịch sử sẽ lặp lại, bởi nhà đầu tư đã chuẩn bị cho động thái của Fed và ECB trong một thời gian rất dài. Dẫu vậy, quá khứ và hiện tại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Năm 1994 – chưa đầy 4 năm sau sự kiện nước Đức thống nhất, lãi suất và lợi suất trái phiếu của Đức vẫn ở mức cao hơn so với Mỹ. Chính điều này đã hạn chế sức hấp dẫn của đồng bạc xanh.

Hiện tại, nền kinh tế Đức khỏe mạnh đã giúp eurozone duy trì thặng dư cán cân vãng lai – nghĩa là khu vực này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Các công ty ở eurozone bán hàng hóa ra nước ngoài phải mua vào euro để mang lợi nhuận về quê nhà. Mức thặng dư lên đến 31,7 tỷ USD trong tháng 9, cao nhất 8 tháng.

Trong suốt 2 năm qua, đứng sau hiệu ứng này là dòng tiền mặt của nhà đầu tư chảy khỏi eurozone. Tuy nhiên, cũng chính thặng dư cán cân vãng lai đã đem lại lợi ích cho eurozone khi Fed trì hoãn nâng lãi suất suốt từ tháng 3 đến tháng 10.

Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá USD - euro. Đồng euro đã tăng giá hồi tháng 8, khi thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Lambert, chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Insight Investment nhấn mạnh một cơn bán tháo khác bao trùm TTCK toàn cầu sẽ là một nguy cơ khiến dự báo đồng euro giảm xuống mức 1 USD không trở thành hiện thực.


Thu Hương

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: Trí thức trẻ