Thị trường và giới tài chính nhìn chung đã phản ứng khá êm ả, bình tĩnh trước quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với tổ chức từ 0,25% xuống 0%/năm; cá nhân từ 0,75% xuống 0,25%/năm ngày 28-9-2015.

Trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, tỷ giá hối đoái giảm nhẹ từ 22.490-22.492 đồng/đô la Mỹ về 22.473-22.475 đồng/đô la Mỹ. Cung cầu tỏ ra cân bằng, không có nhiều lệnh chào mua và bán.

Với mặt bằng lãi suất huy động mới, NHNN hướng tới mục tiêu giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế và kỳ vọng khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi ngoại tệ - đồng Việt Nam đủ lớn để người dân hạ bớt việc nắm giữ ngoại tệ. Lãi suất tiết kiệm tiền đồng mới đây đã được một số ngân hàng nâng lên 5%/năm cho kỳ hạn một tháng và 5,2-5,3%/năm cho kỳ hạn 2-3 tháng. Như vậy chênh lệch lãi suất đô - đồng đang ở mức 5%/năm, phải thừa nhận là rộng trong bối cảnh lạm phát đang rất thấp hiện nay.

Sau khi tuyên bố sẽ ổn định tỷ giá ít nhất cho đến hết năm, cộng thêm việc điều chỉnh lãi suất ngoại tệ, NHNN muốn chuyển tải thông điệp tiếp tục chính sách bảo vệ và giữ vững giá trị đồng nội tệ. Sự kiên định trong chính sách là có cho dù sự đánh đổi giờ đây đã lớn hơn và có thể còn lớn hơn nữa.

Đã xuất hiện một số lo ngại việc đưa lãi suất ngoại tệ về mức thấp hơn cả ở những thị trường phát triển, chưa nói các thị trường mới nổi, có thể làm chựng lại dòng chảy kiều hối. Chưa bao giờ cơ quan quản lý có được một phân tích công phu cơ cấu của kiều hối như thế nào. Trong kiều hối có bao nhiêu phần trăm là tiền gửi về để hưởng chênh lệch lãi suất khi đổi ra tiền đồng do tỷ giá ổn định những năm trước và sau đó chuyển ra? Bao nhiêu tiền gửi về thật tức không chuyển ngược ra? Không ai biết. Trong khi kiều hối tăng dần từng năm, năm nay dự kiến có thể tới 13-14 tỉ đô la Mỹ, là một trong những nguồn bù đắp chính cho thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vốn nếu có.

Có lập luận rằng trước đây lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao, có thời trên 5%/năm, sau đó diễn ra các đợt điều chỉnh giảm và mỗi lần như thế, kiều hồi không hề giảm, chứng tỏ lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ không ảnh hưởng tới kiều hối. Trên thực tế, những năm lãi suất đô la Mỹ cao, lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam còn cao hơn nhiều và chênh lệch lãi suất ở mức rộng hơn nhiều. Ngoài ra mặt bằng lãi suất ở Việt Nam khi ấy luôn cao hơn ở nước ngoài, còn hiện tại lãi suất tiền đồng có thể vẫn cao, nhưng xem ra không bù đắp nổi rủi ro tỷ giá.

Đa phần các chủ thể trên thị trường đều nhìn nhận việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá trong tháng 8 vừa qua chịu tác động không nhỏ của yếu tố bên ngoài. Những biến động trên thị trường tài chính đã và đang ảnh hưởng bất lợi tới việc ổn định tỷ giá, tới chính sách xuyên suốt nâng cao vị thế đồng Việt Nam. Tuy nhiên đi ngược lại xu thế chung toàn cầu trong điều kiện Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới là điều cần được nhìn nhận và đánh giá đúng mức.

Tỷ giá đang chịu sức ép tâm lý và rõ ràng để ổn định được nó NHNN phải giải tỏa được sức ép này, nghĩa là tạo dựng, củng cố lại niềm tin cho thị trường. Đây có thể là nguyên nhân sâu xa lý giải vì sao cơ quan quản lý chấp nhận bán ra một lượng tương đối lớn ngoại tệ để can thiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong hai tháng 8 và 9-2015. Thống kê từ các tổ chức tín dụng mà chúng tôi tập hợp được từ ngày 6-8-2015 cho thấy NHNN đã bán ra khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ. Tuần trước NHNN bán ra ước 620 triệu đô la Mỹ. Tuần trước đó khoảng 750 triệu đô la Mỹ. Thời điểm ngoại tệ được bán ra mạnh nhất là trong ba tuần cuối của tháng 8-2015 khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm vượt trần, lên 22.600 đồng/đô la Mỹ. Trong ba tuần kết thúc vào ngày 1-9-2015 đó NHNN đã cung ứng cho thị trường hơn 3,8 tỉ đô la Mỹ.

Lượng ngoại tệ bán ra trên cộng với số ngoại tệ bán ra trước đó trong đợt điều chỉnh tỷ giá tháng 1 và tháng 5, có thể đã vượt 7 tỉ đô la Mỹ. NHNN khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường, động thái bán ra ngoại tệ sẽ chưa dừng lại. Lượng can thiệp trong ba tháng cuối năm bao nhiêu, chưa biết.

Dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh trong ba năm qua và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đủ lực can thiệp. Đấy là về con số tuyệt đối. Nhưng không thể không lưu ý mức an toàn của dự trữ ngoại hối mà các định chế tài chính quốc tế khuyến cáo đối với một quốc gia là 12 tuần nhập khẩu. Số ngoại tệ tiêu thụ cho một tuần nhập khẩu hiện tại đã khác xa với chính nó cách đây bốn năm. Căn cứ trên mức nhập khẩu một tuần, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở dưới ngưỡng an toàn 12 tuần.

Ở một góc độ khác, liệu có hay không một sự dịch chuyển tiền gửi từ ngoại tệ sang tiền đồng khi lãi suất đô la Mỹ đã gần như kịch chân tường đối với cá nhân và đã mang tính “kết hối mềm” đối với doanh nghiệp? Khó trả lời khi huy động ngoại tệ của các ngân hàng gần đây tăng lên. NHNN đã thành công ở mức độ nhất định trong việc làm cho người ta “chán” vàng nhưng để người ta “chán” đô la Mỹ là một thử thách nặng ký.

 

Trước hết bởi lượng vàng trong dân không nhiều bằng ngoại tệ xét trên con số cơ học thuần túy. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của đô la Mỹ trên phạm vi quốc tế. Vàng trong nước có thể giảm giá theo giá thế giới, còn liệu đô la Mỹ có thể mất giá so với tiền đồng? Xét trong chiều dài của 2-3 hay 5 hay 10 năm qua, đô la Mỹ luôn lên giá so với tiền đồng.


Theo Hải Lý
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG