Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tính riêng từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8/2015, VAMC đã mua được 77.355 tỷ đồng nợ xấu, phát hành trái phiếu đặc biệt được 68.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sau ba năm (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu.

Như vậy, tại thời điểm cuối tháng 9/2012, tổng nợ xấu toàn ngành ngân hàng khoảng 465.328 tỷ đồng.

VAMC ra đời vào tháng 7/2013, đến cuối năm 2013 đã mua được 40.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa mức nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến cuối năm 2013 còn khoảng 3,61% và đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII).

Trong quá trình xử lý nợ xấu thông qua VAMC, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm nhanh chóng. Tính đến hết tháng 6/2015, nợ xấu toàn ngành còn 160.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,72% tổng dư nợ, giảm khoảng 305.328 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9/2012, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện tra soát đầy đủ nợ xấu để lập Đề án xử lý nợ xấu trình Chính phủ.

Để tiếp tục đưa mức nợ xấu xuống dưới mức 3%, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản số 5057/NHNN-TTGSNH, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu để đưa nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước ngày 30/9/2015.

Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra biện pháp chế tài đối với những tổ chức tín dụng Việt Nam không hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1/10/2015, tổ chức tín dụng đó sẽ không được xem xét, chấp thuận về cấp phép mở rộng mạng lưới ít nhất đến ngày 31/12/2015.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho một số tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, nhưng khối lượng không nhiều.

Thông tin từ một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, các ngân hàng này vẫn chưa dùng trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước, vì vốn huy động vào ngân hàng vẫn tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ chiết khấu chỉ 50% trên mệnh giá trái phiếu đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét đối với những ngân hàng nào có nhu cầu thực sự cần thiết. Chẳng hạn, ngân hàng Nhà nước ưu tiên tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt cho những ngân hàng 0 đồng để các ngân hàng này tiến hành tái cơ cấu.

Theo Linh Lan
BizLIVE

Nguồn: BizLIVE