Tại miền Bắc ổn định
Giá lợn hơi phổ biến 75.000 - 78.000 đ/kg, giảm 2.000 - 3.000 đ/kg so với đỉnh giá trước đó. Tại Yên Bái và Lào Cai trên 80.000 đ/kg. Hưng Yên, Bắc Giang và Ninh Bình giảm xuống còn 78.000 đ/kg; các địa phương gồm Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Nội ở mức khá thấp 75.000 đ/kg, đây cũng là mức giá thấp nhất miền Bắc tính đến thời điểm hiện tại. Nhìn chung giá lợn hơi toàn miền hôm nay giao dịch trong khoảng 75.000 - 80.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá không đổi
Giá lợn hơi vẫn đang giữ ở ngưỡng 80.000 đ/kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế trên 80.000 đ/kg; tại Lâm Đồng 80.000 đ/kg, Đắc Lắc giảm nhẹ đạt 74.000 đ/kg; khu vực Nam Trung bộ gồm Quảng Nam, Bình Định và Bình Thuận 70.000 - 72.000 đ/kg; riêng tại Quảng Ngãi giá lợn giữ mức đỉnh 83.000 đ/kg trong nhiều tuần liền. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung được giao dịch trong khoảng 70.000 - 83.000 đ/kg.
Tại miền Nam im ắng
Hiện rất nhiều địa phương tại miền Nam giá lợn đạt mốc 70.000 đ/kg; trong đó, tại các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Vũng Tàu khoảng 70.000 - 72.000 đ/kg; Đồng Nai trên 75.000 đ/kg; tại miền Tây, các địa phương như Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh 70.000 - 71.000 đ/kg; các tỉnh còn lại 72.000 - 75.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh thành phía Nam dao động quanh mức 70.000 - 75.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn về chợ trong ngày 1/3/2020 đạt 4.050 con và tình hình tiêu thụ của thương lái không tốt.
Theo Vietnambiz, về tình hình dịch tả lợn châu Phi, hiện giá lợn hơi tại Đồng Nai đang đứng ở mức cao, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cũng cơ bản được khống chế. Hiện hầu hết các địa phương của Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả lợn châu Phi nên đủ điều kiện tái đàn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, theo các địa phương, người chăn nuôi vẫn rất thận trọng trong đầu tư tái đàn. Hoạt động tái đàn mạnh chủ yếu ở các doanh nghiệp, trang trại lớn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, sức mua giảm là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lợn hơi bình ổn trở lại. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn đã tác động nhiều đến giá cả, bởi nguồn thịt nhập dồi dào, khiến giá lợn trong nước phải giảm để cạnh tranh.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát. Các doanh nghiệp, trang trại lớn cũng bắt đầu tái đàn nên nguồn cung không còn khan hiếm như trước đây. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con giữ ổn định số lượng đàn, chăn nuôi theo hướng bền vững như lựa chọn giống tốt, thức ăn sạch; tăng cường thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin để giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cho rằng, thị trường đã bình ổn thì giá thịt lợn ở các chợ phải giảm sâu hơn nữa mới kích cầu trở lại và kích thích người dân sản xuất bền vững. Nếu giá vẫn ở mức cao thì người tiêu dùng sẽ tìm tới những thực phẩm thay thế khác.
EVFTA: Thách thức cho ngành chăn nuôi
Hiệp định EVFTA với lộ trình giảm thuế về 0% sẽ mở ra nhiều cơ hội cho XNK hàng hóa của 2 bên. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức cho DN chăn nuôi trong nước khi phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.
Khi EVFTA đi vào thực thi, ngành chăn nuôi Việt Nam xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu (NK) sản phẩm chăn nuôi; 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch; số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm. Về phía EU, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế NK sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 - 7 năm.
Theo Congthuong.vn, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - nhận xét, đối với ngành chăn nuôi dư địa thuế và thị trường trong nước khá tốt cho các nước EU, ở chiều ngược lại, sức ép từ EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước cũng không nhỏ. Cụ thể, các mặt hàng thịt lợn nhập từ thị trường EU đang chịu thuế 15% - 27% cũng giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh NK.
Giá mua ở cổng trại chăn nuôi cao hơn từ 40 - 60% so với các nước phát triển. Dư địa thuế nhiều, nhưng lộ trình giảm từ 8-10 năm, ngành hàng này sẽ gặp thách thức trong dài hạn.
Nhiều nước EU có khả năng XK rất mạnh các sản phẩm chăn nuôi như: Thịt lợn, bò, gà, sữa… vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, khả năng thâm nhập các thị trường mới của ngành chăn nuôi nội địa còn yếu, do nhiều sản phẩm chưa được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Ông Trần Công Thắng nhận xét, NK các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi các mức thuế quan được cắt giảm, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch NK từ EU sẽ tăng đáng kể.
Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng, sẽ làm gia tăng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước tại thị trường nội địa. Đây là áp lực đối với DN trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành. Nhất là khi, ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế… rất khó để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại. Thực tế này đang đòi hỏi ngành chăn nuôi trong nước phải rất sớm tự vươn lên, tự đứng vững trong bối cảnh mới. Cần lưu ý, độ trễ hiệu lực của EVFTA là rất ngắn so với các FTA khác.
Bên cạnh thách thức, EVFTA cũng thúc đẩy các DN chăn nuôi trong nước tăng cường hợp tác, tiếp thu khoa học - công nghệ mới… từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn: VITIC