Hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL, đang bước vào mùa mưa cũng chính là thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài trong năm. Theo người trồng xoài cho biết, năm nay riêng mặt hàng xoài Cát Chu giá giảm mạnh chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg (giá thương lái mua xô tại vườn), còn xoài Cát Chu chín bán tại chợ chỉ có 10.000 – 12.000 đồng/kg giảm hơn 50% so với tháng trước.
Với mức giá như hiện tại, người trồng xoài giống Cát Chu vụ này xem như hòa vốn, thậm chí còn lỗ do thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch trái và phân thuốc BVTV… Theo người dân nơi đây, thì chưa có năm nào như năm nay giá xoài Cát Chu xuống thấp như thế, mà lại còn khó bán.
Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh – Đồng Tháp ông Nguyễn Văn Chì cho biết, dù giá thị trường giảm mạnh nhưng nông dân trong HTX đang cung ứng xoài cho Cty TNHH Long Uyên (Tiền Giang) với giá 8.500 – 9.000 đồng/kg; cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá xoài xuống thấp là do đang thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài khiến cung vượt cầu. Vì vậy, để đảm bảo ổn định đầu ra, các thành viên trong HTX cũng tìm kiếm thêm nhiều vựa, đầu mối tại các tỉnh lân cận để mang đi tiêu thụ.
Ngược với trái xoài, thì trái thanh Long Bình Thuận giá tăng đột biến. Nếu vào thời điểm này năm trước, thanh long Bình Thuận có giá khoảng 5.000-7.000 đồng/kg thì hiện loại nông sản này đang được các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thu mua với mức cao kỷ lục từ 23.000-24.000 đồng/kg nhưng nông dân không có hàng để bán.
Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (huyện Hàm Thuận Nam) ông Trần Ngọc Hiệp, cho biết hiện công ty đưa ra mức giá thu mua trên 23.000 đồng/kg nhưng vẫn không có hàng. Đây là mức giá kỷ lục, tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, giá thanh long tăng đột biến do đây là lứa chong đèn nghịch vụ cuối cùng trong năm, sắp vào hàng mùa, nhiều nông dân sợ giá giảm nên họ sản xuất hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho thanh long không đạt tỉ lệ để xuất khẩu, trở nên khan hiếm.
Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt hơn 30.000 ha, sản lượng xấp xỉ khoảng 600.000 tấn, trong đó diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt hơn 10.000 ha. Khoảng 15% sản lượng thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa, 85% xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có 3%-5% xuất khẩu chính ngạch, còn lại bán qua biên mậu mà chủ yếu là qua thị trường Trung Quốc.
Trên thị trường thế giới, sản lượng sầu riêng của Campuchia dự báo giảm. Theo nguồn tin từ Khmer Times, điều kiện thời tiết không thuận lợi, đã gây ảnh hưởng đến sản lượng sầu riêng ở các tỉnh Kampot và Kampong Cham.
Phó Giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh Kampot ông Hean Ngon dự báo, sản lượng sầu riêng năm nay sẽ không đạt sản lượng cao được như năm ngoái, do thời thiết quá nóng, không thuận lợi để trồng sầu riêng. Sầu riêng cần thời tiết mát mẻ hơn để phát triển đúng cách. Tuy nhiên, nhu cầu sầu riêng của người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, thương lái đặt hàng và thu hoạch đến đâu hết đến đó.
Sầu riêng năm nay có giá bán từ 22.000 riel (5,5 USD) đến 25.000 riel (6,25 USD)/kg, cao hơn so với giá năm ngoái là 18.000 riel (4,5 USD) đến 20.000 riel (5 USD)/kg.
Theo Giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh Kampong Cham ông Sun Thavareak, sản lượng có thể sẽ giảm đáng kể là khi điều kiện thời tiết bất lợi. Giá sầu riêng Kampong Cham hiện nay lên đến 25.000 riel mỗi ký. Sầu riêng được trồng trên 400 hecta đất của các huyện Chamkar và Stueng Trang.
Ông Ngon và ông Thavareak hy vọng sắp tới sầu riêng địa phương sẽ đạt được chỉ dẫn địa lý (GI) nhằm giúp bảo vệ danh tiếng trái cây trong vùng.
Giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ ông Op Rady chia sẻ với Khmer Times, sầu riêng Kampot được xem là sản phẩm GI tiềm năng nhưng hiện quy trình đăng ký nhãn hiệu chưa được thực hiện. Bên cạnh tỉnh Kampot và Kampong Cham, sầu riêng cũng được trồng ở các tỉnh Kep và Battambang.
Sầu riêng Campuchia hiện chỉ được tiêu thụ nội địa. Mùa thu hoạch sầu riêng ở Kampot là từ giữa tháng 4 đến tháng 6, trong khi ở Kampong Cham là bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 7.
Lần đầu tiên Công ty Philippines xuất khẩu xoài sấy khô cuả Campuchia. Đại sứ Philippines mới đây tiết lộ rằng một công ty Philippines sẽ sớm bắt đầu xuất khẩu xoài sấy khô Campuchia sang Philippines và các thị trường khác. Mặc dù chưa được công bố tên, nhưng công ty này sẽ trở thành doanh nghiệp Philippine đầu tiên xuất khẩu xoài chế biến của Campuchia, Khmer Times đưa tin.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng bộ nông nghiệp Veng Sakhon, Christopher Baltazar Montero tuần trước, đại sứ Philippine cho biết một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có trụ sở tại Philippines hiện đang vận hành một nhà máy chế biến xoài tại tỉnh Prey Veng. Doanh nghiệp này không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra thế giới. Ông Sakhon đã yêu cầu Philippines hỗ trợ thêm để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế biến xoài, gạo và chuối. Campuchia cũng đang trao đổi với Trung Quốc về các vấn đề xuất khẩu xoài tươi trực tiếp vào thị trường Trung Quốc.
Ông In Chayvan, Chủ tịch Hiệp hội xoài Kampong Speu, cho rằng việc thiếu các cơ sở chế biến tại quốc gia này đang kìm hãm sự phát triển của ngành. Campuchia có tiềm năng lớn về chế biến và xuất khẩu xoài nhưng tiềm năng này chưa được khai thác do thiếu điều kiện về cơ sở chế biến. Phần lớn xoài của chúng tôi được bán cho các thương lái ở dạng thô để nhập khẩu vào các quốc gia láng giềng.
Hiện xoài của Campuchia mới chỉ xuất khẩu sang Pháp và Nga thông qua Hiệp hội quốc tế trái cây vương quốc, một công ty con của Tập đoàn Mong Reththty, một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Campuchia.
Theo nguồn tin từ Khmer Times, lô xoài đầu tiên của Campuchia xuất khẩu sang Hàn Quốc bị trì hoãn sau khi nhà xuất khẩu không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại thị trường Hàn Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Veng Sakhon, tuần trước lô hàng xoài Campuchia đầu tiên sang Hàn Quốc sẽ phải đợi vì nhà xuất khẩu là Tập đoàn Hyundai đã không vượt qua cuộc kiểm định do Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (APQA) thực hiện vào tháng 3/2019. Mặc dù Hyundai đã sử dụng những công nghệ mới nhất để xử lý các sản phẩm của mình, APQA vẫn không cho phép lô hàng được vận chuyển.
Vào tháng 12/2018, Hyundai đã ra mặt một cơ sở chế biến trái cây rộng 3 ha tại quận Phnom Srouch, tỉnh Komgpong Speu, Campuchia. Cơ sở này có khả năng chế biến lên tới 50.000 tấn trái cây mỗi năm, bao gồm dừa, sầu riêng và măng cụt.
Công ty Hàn Quốc đã liên kết với nhà sản xuất xoài địa phương Mao Legacy Co Ltd để trồng xoài trên 2.400 hecta đất tại Kampong Speu.
Không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Campuchia cũng đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu xoài, bên cạnh các loại trái cây khác, sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Sakhon, hai nước sẽ tiến hành đàm phán vào tháng 7/2019 để thảo luận về các lô hàng xoài, nhãn, thanh long và yến sào Campuchia.
Nguồn : VITIC tổng hợp/Báo Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế và tiêu dùng 

Nguồn: vinanet