Giá lúa gạo ngày 29/5/2020

ĐVT: đồng/kg

Chủng loại

Ngày 29/5/2020

Thay đổi so với ngày 28/5/2020

NL IR 504

8.300 - 8.350

0

TP IR 504

9.900 – 10.000

0

Tấm 1 IR 504

7.700

0

Cám vàng

5.100

-100

Sản lượng lúa hè thu tăng cao
Vụ lúa hè thu 2020 ở các tỉnh Nam bộ gieo trồng hơn 1,6 triệu ha, giảm 29.000 ha; sản lượng ước đạt hơn 9,1 triệu tấn, tăng 44.000 tấn so với vụ hè thu 2019. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,53 triệu ha, giảm 30.000 ha; sản lượng ước đạt 8,7 triệu tấn, tăng 31.000 tấn.
Đến nay, tiến độ gieo trồng lúa vụ hè thu 2020 hơn 1 triệu ha, đạt khoảng 62,21% kế hoạch; trong đó ĐBSCL xuống giống đạt 967.847 ha và đã thu hoạch 53.223 ha, chiếm 5,5% diện tích xuống giống. Dự kiến từ nay đến tháng 9, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch xong vụ hè thu. Qua tính toán, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước, thì lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn…
Đối với mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL vẫn duy trì diện tích mỗi vụ khoảng 140.000-150.000 ha; bình quân mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất từ 10- 15%; sản lượng tăng 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.
Dự báo mùa lũ năm nay ở mức thấp, đồng thời giá bán lúa thương phẩm vụ đông xuân và hè thu 2020 khá cao, nên lợi nhuận tăng và giá lúa vẫn tiếp tục ổn định.
Sản lượng gạo toàn cầu sẽ cao kỷ lục
Theo nongnghiep.vn, trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng và tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2020/2021 sẽ ở mức cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, diện tích trồng lúa trên toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với niên vụ trước, đạt 163 triệu ha, thấp hơn 0,3 triệu ha so với mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào niên vụ 2016/2017.
Sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt kỷ lục 502 triệu tấn, tăng gần 2% so với dự báo trước đó và tăng khoảng 3,8 triệu tấn so với niên vụ trước.
Những quốc gia được WASDE dự báo tăng mạnh diện tích trồng lúa là Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Thái Lan và Mỹ. Ngược lại, một số nước như Brazil và Philippines sẽ tiếp tục giảm.
Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ sẽ có sản lượng tăng mạnh nhất; các nước Australia, Myanmar, Nigeria, Sri Lanka và Pakistan cũng sẽ tăng; Ấn Độ nhiều khả năng sẽ duy trì sản lượng ở mức cao kỷ lục trong năm nay; Brazil và Philippines dự báo sẽ giảm.
Tiêu thụ và thất thoát gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 dự báo sẽ đạt kỷ lục 498,1 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm trước đó. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm phần lớn mức tăng dự kiến; Bangladesh, Ai Cập, Philippines, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam, dự báo cũng tăng.
Với sản lượng gạo toàn cầu dự báo cao hơn 3,8 triệu tấn so với vụ trước, tồn trữ gạo toàn cầu niên vụ 2020/2021 sẽ tăng 2% lên mức kỷ lục 148,2 triệu tấn. Đây là năm thứ 14 tồn trữ gạo toàn cầu tăng liên tiếp. Trong đó, tồn trữ/dự trữ gạo cuối vụ 2020/2021 của Trung Quốc dự báo sẽ đạt kỷ lục 117 triệu tấn, Ấn Độ 38 triệu tấn; Hai nước này sẽ chiếm lần lượt 64% và 21% tổng lượng tồn trữ/dự trữ gạo trên toàn cầu.
Tồn trữ gạo của Mỹ cũng sẽ tăng 37% lên 1,3 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng/tồn trữ gạo trên toàn cầu cuối niên vụ 2020/2021 dự báo sẽ ở mức 37%, cao hơn so với 36,8% của niên vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 37,3% của vụ 2000/2001.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ đạt 45,2 triệu tấn, tăng hơn 5% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn gần 3 triệu tấn của mức kỷ lục 48,1 triệu tấn năm 2017.
Dự báo Thái Lan, với việc tăng xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2021, sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức tăng xuất khẩu gạo vào năm tới. Xuất khẩu gạo của Việt Nam, Australia, Campuchia và Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong năm 2021.
Về nhập khẩu, dự báo Philippines sẽ tăng lượng nhập thêm 800.000 tấn trong năm 2021. Các thị trường như Nigeria, Saudi Arabia và U.A.E dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo mỗi nước. Việc tăng nhập khẩu ở những thị trường trên sẽ bù lại cho việc nhập khẩu giảm sút ở Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc.
Về thương mại gạo toàn cầu năm 2020, theo dự báo của WASDE, sẽ điều chỉnh tăng 0,1 triệu tấn lên 42,9 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn 1% so với năm trước đó. Về xuất khẩu trong năm 2020, dự báo Việt Nam sẽ tăng 0,2 triệu tấn, Campuchia tăng 0,3 triệu tấn…, trong khi Trung Quốc sẽ giảm 0,3 triệu tấn.

Nguồn: VITIC