Doanh nghiệp thủy sản lao đao vì dịch bệnh do virus corona
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo trang Seafood Source, sự lây lan của virus corona đã khiến giới chức và các công ty xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở nên lo lắng do hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đình trệ. Tuy nhiên, một số công ty dự đoán ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona sẽ không kéo dài.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đối mặt nhiều thách thức trong quí I năm nay do nhiều nhà nhập khẩu của Trung Quốc cho biết họ không thể nhận hàng trước 9/2 do lệnh hạn chế giao thông.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể chững lại trong quí I/2020 vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona. Dịch bệnh do virus corona cũng có thể biến thành cơ hội để doanh nghiệp thủy sản tăng thị phần tại Trung Quốc.
Chủ tịch của Fimex, ông Hồ Quốc Lực cho biết dịch bệnh do virus corona có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của công ty thêm vài tháng nữa. Tuy nhiên, virus corona sẽ không tác động đến xuất khẩu tôm của Việt Nam quá lâu. Theo đó, nhu cầu tôm ở thị trường Trung Quốc có thể giảm từ nay đến tháng 4.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể cung ứng đủ tôm cho Trung Quốc trong giai đoạn này do vụ nuôi thả mới chỉ bắt đầu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hơn nữa, Việt Nam có thể xuất khẩu tôm sú sang thị trường khác trong trường hợp thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.
Giá cá tra năm 2020 có thể phục hồi?
Vietnambiz.vn đưa tin, theo VASEP, kết thúc năm 2019, xuất khẩu cá tra giảm tại nhiều thị trường lớn kéo theo tổng xuất khẩu chỉ đạt 2 tỉ USD, giảm 11,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tin trong năm 2020, giá cá tra nguyên liệu sẽ cải thiện hơn khi người nuôi tính toán và cân nhắc kĩ lưỡng hơn việc thả nuôi theo nhu cầu thị trường. Sau một thời gian lượng tồn kho tại một số thị trường lớn giảm bớt, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng dần trở lại.
VASEP cho biết năm 2019, khó khăn ở hầu hết các thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh đã khiến cho giá trị giảm thêm. Tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu cá tra ở hầu hết thị trường xuất khẩu lớn trong top 10 đều giảm, trừ Trung Quốc - Hong Kong.
"Khoảng cách về tỉ trọng trong tổng cơ cấu xuất khẩu cá tra giữa Trung Quốc - Hong Kong với các nước đứng sau ngày càng cách xa thêm. Đây vừa là niềm vui những cũng không vui đối với nhiều doanh nghiệp cá tra xuất khẩu", VASEP nhận định.
Mặc dù tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,4% và giảm 24,4%. Hết năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 195,4 triệu USD, giảm 3,6% so với năm trước.
"Nhưng, về cơ bản, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan và Malaysia vẫn được cho là sẽ khả quan trong năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu tương đối tốt. Đây vẫn được coi là hai thị trường tiềm năng trong năm nay", VASEP nhận định.
Gần 80% thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Thông tin từ haiquanonline.com.vn, theo VASEP, năm 2019, XK tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
XK tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018, tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.
Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa NK từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. XK tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam. Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam XK sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt trên 618,6 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2018. Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà XK tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của VASEP, XK tôm năm 2020 dự kiến sẽ thuận lợi hơn so với năm 2019. Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%. Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2020 sẽ giúp tăng trưởng XK tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất.
Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, hiện từ 75 - 80% hàng thủy sản của Việt Nam đã XK chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng XK tôm vào thị trường này trong thời gian tới.
Mỹ điều tra hành vi lẩn tránh thuế sản phẩm tôm xuất khẩu
Theo vietnamplus.vn, ngày 14/1, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ. Đồng thời, CBP áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Mỹ.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ/ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.
Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ phối hợp với các Bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để làm việc, trao đổi với phía Mỹ trên tinh thần nghiêm túc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Khánh Hòa: Giá cá ngừ đại dương không giảm trong lúc dịch do virus corona lây lan
Theo vietnambiz.vn, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lí Cảng cá Hòn Rớ, chợ cá Nam Trung Bộ, cho biết giá cá ngừ trên địa bàn đạt khoảng 110.000 đồng/kg cao hơn một số tỉnh lân cận 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Theo các chủ tàu cá, khi nghe có thông tin dịch virus corona chủng mới gây ảnh hưởng đến một số thị trường nông sản mọi người lo lắng sợ giá cá ngừ giảm mạnh nhưng may mắn giá cá bình ổn.
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Thọ (TP Nha Trang), cho rằng năm nay các chuyến tàu mở biển đa số đều trúng cá. Các tàu về sớm thường là tàu lưới cảng đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Trung bình mỗi tàu đi 15 - 17 ngày thu được 15 - 17 tấn cá, giá cá năm nay lại đạt 40.000 – 50.000 đồng/kg tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng cá ngừ đại dương có giá khoảng 110.000 đồng/kg, nếu tàu nào đạt sẽ lãi to.
"Chuyến biển Tết thường sản lượng khai thác tốt hơn, sản lượng chuyến này khoảng 20 tấn. Chuyến này thu về chừng 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 350 triệu đồng", ông Võ Văn Vũ - chủ tàu cá KH 99919 TS, cho biết.

Nguồn: VITIC