Giá cà phê trên hai sàn tuần qua tăng giảm trái chiều. Giá robusta hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần do sự cố kênh đào Suez tắc nghẽn làm gián đoạn nguồn cung. Giãn cách xã hội cùng chi phí vận chuyển tăng đã góp phần khiến giá cà phê bị đẩy lên. Ngược lại, giá arabica giảm nhẹ do báo cáo thời tiết có mưa tốt tại Brazil đã hỗ trợ cây cà phê.

Báo cáo của Rabobank nhấn mạnh những trận mưa gần đây đã rất thuận lợi cho hạt cà phê phát triển, cũng như góp phần phục hồi cây trồng trong niên vụ cà phê 2022/2023.

Hàng năm, vào thời điểm này, thị trường cà phê thường có diễn biến giá với biên độ lớn, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định. Brazil chuẩn bị vào mùa rét với rủi ro sương giá tại các vùng trồng cà phê arabica là chủ yếu. Việt Nam vào mùa khô với rủi ro hạn hán
Sản lượng cà phê vụ tới của Brazil được Rabobank ước tính đạt 56,2 triệu bao, trong đó có 36 triệu bao cà phê arabica, giảm 26,5% so với vụ trước, còn robusta khoảng 20 triệu bao.
Về sản lượng của các quốc gia sản xuất, Rabobank chỉ rõ, trong niên vụ cà phê hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam và Honduras giảm mạnh so với niên vụ 2019/2020. Trong niên vụ hiện tại, ước tính sản lượng của Việt Nam là 28,8 triệu bao và Honduras là 6,2 triệu bao. Mặt khác, vụ thu hoạch mới ở Colombia có vẻ đang tiến triển tốt và dự kiến sản lượng của niên vụ 2020/2021 sẽ khoảng 14,1 triệu bao.
Các nước tiêu thụ cà phê lớn như Đức và Pháp đều phong tỏa chống Covid-19 gây lo ngại về nhu cầu yếu đã đè nặng lên thị trường cà phê. Tuần qua, thị trường cà phê Việt Nam cũng ảm đạm trong bối cảnh lượng dự trữ ít và nhu cầu mua cũng thấp. Cà phê robusta xuất khẩu loại 2 giá cộng 55 - 60 USD/tấn so với giá tham chiếu ở London, không thay đổi so với cách đây một tuần.
Tại Indonesia, nguồn cung cà phê tăng lên do đang bước vào vụ thu hoạch. Mức cộng cà phê của Indonesia so với giá tham chiếu quốc tế hiện từ 200 - 220 USD/tấn.
Từ hôm nay (29/3/2021), các thị trường cà phê sẽ chuyển sang giao dịch theo giờ mùa hè, mở cửa và đóng cửa sớm hơn trước 1 giờ.

Nguồn: VITIC/Reuters