Theo nguồn tin từ Bnwes.vn, trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành Tp.Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Cty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, các thương nhân kinh doanh tại chợ đã hợp đồng với các hộ sản xuất dự trữ hàng hóa phục vụ Tết.
Hầu hết người kinh doanh chờ dịp Tết mới tăng mạnh về số lượng hàng hóa, nhất là cao điểm trong các ngày cuối (từ nay đến 28 tháng Chạp). Dự kiến ngày 27 và 28 tháng Chạp lượng hàng về chợ đạt khoảng khoảng 6.700 - 7.000 tấn/ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một số loại trái cây chủ lực phục vụ Tết Nguyên đán như xoài, mãng cầu, quýt, bưởi, thanh long..., năm nay, dự kiến sản lượng giảm do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Đồng thời, làm tăng chi phí sản xuất do sâu bệnh gia tăng. Trong các ngày cao điểm Tết, mặt hàng bưởi có thể đạt 300 tấn/ngày; xoài 350 - 400 tấn/ngày; quýt 500 - 600 tấn/ngày; mãng cầu 500 - 550 tấn/ngày; thanh long 280 - 300 tấn/ngày…
Tương tự, dự kiến lượng hoa tươi nhập chợ năm nay sẽ đạt khoảng 290 tấn/ngày, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn các mặt hàng rau củ, quả chủ lực phục vụ Tết nguyên đán sẽ sản lượng nhập chợ tăng vào thời gian cao điểm.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, đại diện Ban quản lý các chợ đầu mối cho biết, thương nhận tại chợ đã ký cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Bên cạnh đó, hàng hóa vào chợ đến đăng ký lượng hàng, nguồn gốc hàng hóa và được vận chuyển vào điểm kinh doanh cụ thể. Đơn cử, hàng ngoại nhập chợ phải xuất trình chứng từ vận chuyển, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận Kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa.
Thống kê cho thấy, lượng hàng nhập ba chợ đầu mối bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản; chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày trong các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp.
Tính đến thời điểm hiện nay, thị trường tương đối ổn định, sức mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa, sản phẩm phục vụ Tết bắt đầu tăng lên từ sau ngày 23 tháng Chạp.
Bên cạnh đánh giá cao hoạt động kinh doanh cũng như chuẩn bị nguồn hàng hóa tại các chợ đầu mối trên địa bàn, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Minh, ông Phạm Thành Kiên cho rằng, Ban quản lý các chợ và đơn vị buôn bán cần giữ giá cả hàng hóa ổn định, tránh tình trạng tăng giá cao trong những ngày giáp Tết, nhưng đến cận Tết thì giảm giá thấp, tạo tâm lý người dân chờ giảm giá mới mua, dẫn đến ùn ứ hàng hoá và dội chợ.
Đặc biệt, trước đó các sở, ngành đã khảo sát và dự báo nhu cầu cung – cầu hàng hóa trên địa bàn, nên dựa trên cơ sở này các đơn vị chủ động cân đối nguồn cung hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, định hướng và phát triển sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng.
Tại Hà Nội với 454 chợ trên địa bàn; trong đó, có 6 chợ đầu mối; 22 trung tâm thương mại và 124 siêu thị. Đây là hệ thống cung cấp hàng hóa chính cho người dân trong dịp Tết.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo nguồn hàng cũng như chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội sẽ thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát về giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, để kịp thời điều tiết hàng hóa, Sở phối hợp chặt với các ban, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, cùng các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc. Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đến thời điểm này, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ trên cả nước chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đa dạng và cam kết thực hiện bình ổn giá trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết.
Ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu, tìm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa; phối hợp với các sở, ngành kết nối với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các vùng sản xuất rau, thịt an toàn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Riêng mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh những biến động lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để có thể bình ổn thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những thời điểm tiêu dùng cao điểm.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018).
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, nước giải khát... phục vụ Tết dự kiến sản xuất, đưa ra thị trường lượng hàng hóa giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, nông sản chế biến… tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự trữ, đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng. Các đơn vị quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, dự kiến lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: vinanet