Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm 3 USD/tấn xuống 389-393 USD/tấn trong tuần.
“Đồng rupee yếu đi cho phép chúng tôi hạ giá xuấ khẩu, nhưng đồng thời các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi cũng phải hạ giá bán”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada ở bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Đồng INR đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong phiên 16/8/2018.
Tính tới 10/8/2018, nông dân Ấn Độ đã trồng 30,78 triệu ha lúa vụ Hè, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu nước. Mùa mưa năm 2018 ở Ấn Độ chắc chắn có lượng nước ít hơn bình thường, nguy cơ gây ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế của nước này.
Giá gạo Ấn Độ giảm cũng ảnh hưởng tới giá tại Việt Nam, mặc dù loại 5% tấm xuất khẩu giá nhìn chung vẫn vững ở mức 395 – 400 USD/tấn so với tuần trước.
“Giao dịch chậm lại vì giá gạo Việt Nam cao, nhất là so với gạo Ấn Độ. Các nhà xuất khẩu gạo Việt đang mất một số khách hàng châu Phi về tay các đối thủ Ấn Độ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho hay.
Việt Nam đã xuất khẩu 444.235 tấn gạo trong tháng 7/2018, giảm 17,4% so với tháng 6/2018, theo số liệu của Hải quan. Con số này thấp hơn chút ít so với mức dự đoán của Chính phủ là 450.000 tấn.
Tại Thái Lan, nhu cầu vẫn yếu. Loại 5% tấm xuất khẩu giá 390-393 USD/tấn, FOB Bangkok, cũng gần như không thay đổi so với 390 – 395 USD/tấn cách đây một tuần.
Bộ Thương mại nước này cho hay, xuất khẩu gạo Thái Lan từ đầu năm tới 15/8/2018 đạt 6,99 triệu tấn, trị giá 3,52 tỷ baht, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Bangladesh tiếp tục thu mua lúa gạo trong nước. Trong tài khóa 2017-2018 (kết thúc vào tháng 6/2018), Bangladesh đã nhập khẩu 5,7 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, sau đó nhập khẩu giảm xuống kể từ khi Chính phủ áp thuế 28% để hỗ trợ nông dân vì trong nước được mùa lúa. Kho dự trữ của Chính phủ nước này hiện có gần 1,3 triệu tấn gạo.
Một số thông tin liên quan
Xuất khẩu gạo Thái Lan năm nay khả quan
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm 2018. Để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm mỗi tháng nước này sẽ phải xuất khẩu 900.000 tấn.
Theo Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Adul Chotinisakorn, xuất khẩu gạo đến nay đã đạt 6,79 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó gạo 5% tấm chiếm 55%, tiếp đến là gạo đồ (25%), gạo hom mali (16%) và còn lại là các loại khác. Trị giá xuất khẩu gạo đã đạt 2,87 tỷ USD, tăng 9,9%.
“Chúng tôi dự kiến xuất khẩu từ nay tới cuối năm sẽ vẫn tốt, vì nhu cầu từ khách hàng quốc tế ổn định, nhất là từ các khách hàng châu Á và châu Phi”, ông Adul cho biết.
Cũng theo ông Adul, Philippines chắc chắn sẽ sớm thông báo mở thầu mua 500.000 tấn, trong đó 250.000 tấn sẽ là hợp đồng liên chính phủ, còn 250.000 tấn dành cho tư nhân nhập khẩu. Iraq cũng đang chào mua gạo Thái Lan.
Ngoài ra, Thái Lan cũng dự kiến sẽ tổ chức các buổi xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nhất là gạo sạch và gạo màu ở các thị trường Singapore, Hong Kong và Australia.
Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cũng lạc quan về triển vọng xuất khẩu gạo của nước này trong 6 tháng cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng giá gạo hom mali ở mức cao sẽ khiến nông dân trồng nhiều loại lúa gạo này, dẫn đến nguồn cung tăng lên gây áp lực về giá thóc gạo trên thị trường.
Theo hiệp hội, sản lượng của mùa vụ phụ dự kiến đạt 12 triệu tấn thóc, cao hơn mức dự báo 8 triệu tấn của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đưa ra trước đó. Bộ này cũng dự báo sản lượng gạo hom mali ước đạt 7,2 triệu tấn trong năm 2018.
Giá thóc Hom mali (gạo chưa xay xát) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua, chủ yếu do nguồn cung toàn cầu thấp và Chính phủ Thái Lan giải phóng hết lượng gạo dự trữ trong kho. Giá thóc hom mali hiện ở mức 15.000-18.000 baht/tấn, so với mức 9.500-11.600 baht/tấn tại cùng thời điểm năm 2017. Giá thóc gạo trắng chưa xay xát cũng tăng lên mức 7.500-8.200 baht/tấn.
Theo Hiệp hội, trong nửa cuối năm 2018, Philippines và Indonesia dự kiến tiếp tục mua lần lượt 2 triệu tấn và 800.000-1 triệu tấn gạo Thái. - Bangkok Post
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng 36% trong tài khóa 2017/18
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ, chủ yếu là loại non-basmati, đã tăng 36% trong tài khóa 2017/18 so với tài khóa trước đó. Cụ thể, xuất khẩu basmati và non-basmati trong tài khóa 2016/17 đạt lần lượt 3,985 triệu tấn và 6,770 triệu tấn, nhưng đến tài khóa 2017/18 đạt lần lượt 4,056 triệu tấn và 8,648 triệu tấn.
Bà Dhaval Shah, Tổng Giám đốc của Jairaj Group (thuộc chợ bán buôn Gultekdi, Pune) cho biết xuất khẩu gạo non – basmati tăng mạnh là do nhu cầu cao từ các khách hàng châu Phi, Nepal, Bangladesh và giá gạo của Thái Lan tăng. Ngoài ra, “Nhu cầu gần đây từ Mỹ và Liên minh châu Âu cũng góp phần đẩy tăng xuất khẩu”.
Thị trường tiêu thụ nhiều gạo basmati Ấn Độ nhất là Trung Đông. Nước này xuất khẩu gạo basmati chủ yếu sang Iran, Iraq, Saudi Arabia và UAE.
Bà Shah dự báo xuất khẩu basmati sẽ tăng trong tương lai, trong khi gạo basmati sẽ chậm dần lại. “Chính phủ đã nâng giá hỗ trợ tối thiểu đối với gạo thêm 1,5 đến 2 rupee/kg, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới giá xuất khẩu”. -Timescontent
Hạ viện Philippines bỏ giới hạn nhập khẩu gạo, thay bằng hệ thống thuế
Hạ viện Philippines ngày 14/8/2018 đã biểu quyết thông qua việc thay thế giới hạn nhập khẩu gạo bằng thuế nhập khẩu – được dự đoán sẽ đẩy tăng nhập khẩu gạo vào nước này.
Theo quy định mới, thuế nhập khẩu gạo từ các nước Asean như Việt Nam và Thái Lan – những nhà cung cấp truyền thống – sẽ là 35%, theo quy định của thỏa thuận thương mại Asean hiện nay.
Gạo nhập từ ngoài khu vực sẽ có mức thuế từ 40% đến 180%.
Theo hệ thống hạn ngahj hiện tại, nhập khẩu gạo bởi lĩnh vực tư nhân mỗi năm bị hạn chế ở 805.200 tấn, được cung cấp bởi một số nước cụ thể và chịu thuế 35%. - Reuters
Xuất khẩu gạo của Campuchia tiếp tục giảm trong tháng 7
Xuất khẩu gạo của Campuchia tiếp tục giảm trong tháng Bảy vừa qua do các nước có thể mạnh về xuất khẩu trong khu vực giảm giá thành xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Campuchia trên thị trường quốc tế.
Số liệu từ Văn phòng Thư ký dịch vụ một cửa về xuất khẩu gạo Campuchia cho biết xuất khẩu gạo của nước này trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 297.080 tấn gạo, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, xuất khẩu gạo của nước này giảm là do lượng thóc thu mua không đủ để xay xát và lượng thóc dự trữ hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Vanhhan, người đứng đầu Cục Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, tháng tới sẽ là thời điểm thu hoạch chính vụ của nông dân Campuchia, khi đó xuất khẩu sẽ sôi động hơn so với những tháng đầu năm.
Năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu hơn 600.000 tấn gạo. Khách hàng mua gạo lớn nhất của Campuchia là Trung Quốc. Trung Quốc đã cấp hạn ngạch cho gạo của Campuchia lên đến 300.000 tấn mỗi năm.- Phnompenpost
Campuchia dự định tăng trợ cấp cho nông nghiệp
Ngân hàng Phát triển Nông thôn Campuchia (RDB) dự định dành thêm 50 triệu USD cho quỹ khẩn cấp hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp. Theo Giám đốc điều hành của RDB, Kao Thach, ngân hàng nhà nước này sẽ đề nghị chính phủ tăng trợ cấp cho các nhà máy xay xát gạo để hộ mua lúa của dân trong vụ mùa tới – sẽ bắt đầu từ tháng 9/2018.
Ông Thach cho hay trong năm 2016 quỹ khẩn cấp đã được thành lập và đã có 27 triệu USD được giải ngân. Năm 2017, quỹ đã được mở rộng thành 50 triệu USD, nhưng chỉ giải ngân được 36 triệu USD. Các khoản cho vay này là một phần trong cơ chế cho vay được Chính phủ khởi xướng vào năm 2016 để giúp các nhà xay xát –không có đủ kinh phí - mua gạo từ nông dân và giữ giá lúa gạo ổn định. Ông cho biết thêm rằng: ‘Chúng thôi thấy năm nay có ít khách hàng Việt Nam mua lúa, có nghĩa là các nhà máy xay xát Campuchia phải hấp thụ toàn bộ sản lượng lúa gạo trong nước”, và nếu thế thì quỹ 50 triệu USD hiện tại sẽ không đủ.
Ông Thach kêu gọi các nhà máy xay xát gạo trên toàn quốc trạnh thủ cơ hội này nộp đơn xin vay tiền càng sớm càng tốt. Ông cho biết nhu cầu cho vay trong năm nay dự kiến sẽ tăng sau khi xây dựng một số cơ sở lưu trữ gạo.-Khmertimes
Xuất khẩu gạo Myanmar trị giá hơn 277 triệu USD trong 7 tháng đầu năm
Theo Bộ Thương mại Myanmar, tính đến tháng 7, quốc gia này đã thu về 277.775 triệu USD từ xuất khẩu 802.212,57 tấn gạo thường và gạo tấm. Giai đoạn tháng 4-7/2018, nước này đã xuất khẩu hơn 358.170 tấn gạo thường và gạo tấm qua đường biển và hơn 444.014 tấn qua đường biên giới.
Bên cạnh đó, khối lượng xuất khẩu gạo qua đường thương mại biên giới vượt qua xuất khẩu bằng đường biển. Cụ thể, xuất khẩu gạo qua thương mại biên giới chiếm 60% trong giai đoạn 2012 - 2013, 72% trong giai đoạn 2013 - 2014, 77% trong giai đoạn 2014 - 2015, 82% trong giai đoạn 2015 - 2016 và 72% trong giai đoạn 2016 - 2017.
Liên đoàn lúa gạo Myanmar cho biết, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt tới bốn triệu tấn gạo trị giá 1,5 tỷ USD trong ba năm.

Nguồn: Vinanet