Hiện nay, tại vùng chuyên canh sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, giá loại trái cây đặc sản này đang tăng mạnh.
Dẫn nguồn thông tin TTXVN, theo một nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy cho biết, giá sầu riêng giống Mong Thong đang được thương lái thu mua dao động ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá cao nhưng do mới xử lý rải vụ, cây nhú bông nên không có thu hoạch bán vào dịp này. Nguyên nhân giá tăng, nhà vườn này cho biết, trên thị trường giá sầu riêng tăng/giảm thường xuyên do qui luật cung/cầu nên rất khó đoán. Tuy nhiên, nếu ai có thu hoạch trúng thời điểm hiện nay đều có thu nhập cao từ vườn chuyên canh cây trồng đặc sản.
Bí thư huyện ủy Cai Lậy cho hay, hiện huyện có gần 8.875 ha sầu riêng chuyên canh, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Nông dân chủ yếu trồng các giống chất lượng cao như: Mong Thong, Ri 6,…có giá trị kinh tế lớn.
Mỗi năm, sản lượng sầu riêng địa phương hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn quả, chủ yếu xuất khẩu. Đây là nguồn lợi kinh tế quan trọng, giúp nông dân các địa bàn ngập lũ trước đây: Long Tiên, Tam Bình, Long Trung, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn, Hội Xuân… nằm phía nam huyện tiếp giáp sông Tiền dựng nên cơ nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công. Địa phương cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng đặc sản dưới tên gọi “sầu riêng Ngũ Hiệp”.
Chiều ngược lại, ba tháng qua, tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, giá mít Thái liên tục lao dốc. Hiện mít loại 1 còn 18.000 đồng, loại 2 là 10.000 đồng và loại 3 còn 5.000 đồng mỗi kg; trong khi đỉnh điểm hồi quý 1 là 70.000 - 80.000 đồng mỗi kg. Nguyên nhân do hiện vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây nên thị trường Trung Quốc nhu cầu thấp, thương lái mua cầm chừng.
Trên thế giới, tại Malaysia sầu riêng giá giảm do nguồn cung tăng. Giá Sầu riêng Malaysia đang giảm mạnh do nguồn cung gia tăng, nhờ vậy mà những người yêu thích sầu riêng có thể thưởng thức loại trái cây mà không phải trả giá đắt. Đầu mùa, giá sầu riêng rất cao vì nguồn cung hạn chế. Giá sầu riêng dự kiến sẽ tăng trở lại vào cuối mùa khoảng tháng 8 khi nguồn cung bắt đầu giảm dần.
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc giá dưa hấu gần đây theo xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi trên thị trường có nhiều dưa từ nguồn cung cấp khác, trong khi dưa hấu địa phương tới vụ thu hoạch. Giá dưa hấu đến từ các khu vực sản xuất ở Hà Nam tương đối thấp trong khi giá khá cao đối với dưa hấu đến từ Quảng Tây, Hải Nam và Sơn Đông. Doanh số bán dưa hấu địa phương (chẳng hạn như dưa hấu Unicorn từ Hà Nam khối lượng lớn) liên tục tăng vì chi phí vận chuyển thấp. Nhu cầu dưa hấu tăng lên khi nhiệt độ tăng. Tuy nhiên giá tiếp tục giảm khi cạnh tranh tăng lên.
Mặc dù giá dưa hấu sẽ còn giảm hơn nữa khi nhiệt độ tăng, nhưng sẽ không nhiều. Dự kiến giá ổn định vào tháng 7 khi có thêm dưa hấu.
Theo nguồn tin báo Tuổi trẻ, mùa xoài năm nay Philippines dự báo sẽ dư thừa đến 2.000 tấn xoài do được mùa. Xoài được bán rẻ như cho nhưng người dân vẫn được kêu gọi hãy mau tiêu thụ xoài trước khi chúng quá chính và thối rữa.
Những quả xoài xuất xứ ở Philippines nổi tiếng ngọt nhất thế giới. Theo báo Phil Star, năm nay các điều kiện lý tưởng cho cây xoài ra hoa, kết trái lại đặc biệt tốt do có đợt không khí nóng, khô nhờ gió El Nino.
Kết quả là các vườn xoài cho trái quá nhiều khiến dư thừa khoảng 2.000 tấn so với dự báo.
Theo các lão nông chuyên nghiệp, hiện tượng bội thu xoài xảy ra khoảng 3-4 năm mỗi lần và thường dẫn đến kết quả là giá bán xoài rẻ thối.
Thậm chí một số nông dân ở những vùng trồng xoài lớn như trên đảo Luzon phải treo các giỏ đựng xoài cho mọi người lấy hoàn toàn miễn phí.
Do có quá nhiều xoài, nếu không có sự giúp đỡ của người mua dù là mua lẻ hay doanh nghiệp chế biến, nông dân chỉ còn biết để xoài chín thối trên cây.
Để hỗ trợ nông dân, chính quyền Manila đã vào cuộc. Ngày 11-6, Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol đã thông báo một chiến dịch tiếp thị chính thức cho trái xoài có tên là "Metro Mango" với mục tiêu giúp nông dân tiêu thụ 1.000 tấn xoài tươi ở Manila trong tháng 6-2019.
Tại các kiốt bán xoài trong thành phố, 1kg xoài có giá từ 20-50 pesos (tương đương 9.000-22.000 đồng Việt Nam) với điều kiện phải mua từ 1kg trở lên.
Theo Bộ trưởng Piñol, 15 tấn xoài đã được bán sạch trong vòng chưa tới 3 giờ sau khi chương trình giải cứu xoài được tiến hành.
Bộ Nông nghiệp cũng mở các lớp hướng dẫn người dân cách chế biến món ăn với quả xoài và tổ chức Lễ hội xoài để kích cầu.
Trên thực tế, theo trang Quartz, Philippines có thể xuất khẩu xoài tuơi như một giải pháp để tiêu thụ bớt xoài trên thị trường.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu xoài tươi của Philippines còn nhiều hạn chế cho chuỗi quản lý kho lạnh vận hành kém hiệu quả, nhà xuất khẩu không đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường tiêu thụ chính đặt ra về đóng gói, xử lý trước xuất khẩu bao gồm vệ sinh và kiểm dịch thực vật.
Ngược lại với Philippines, trái xoài tại Campuchia đang hối thúc xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ Vietnambiz, Campuchia đã hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình về các yêu cầu kiểm dịch thực vật để mở đường cho xuất khẩu xoài Campuchia.
Hôm 13/6, ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Campuchia và một phái đoàn Trung Quốc do ông Hu Wei, Phó tổng cục Hải quan Trung Quốc dẫn đầu, đã gặp nhau tại Phnom Penh để thảo luận về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái cây.
Hai bên đã thiết lập một nhóm các chuyên gia để thúc đẩy đàm phán về yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật đối với xoài và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia cho biết thanh long, nhãn, dừa và yến là các sản phẩm khác có thể sớm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Sakhon gần đây thông báo Campuchia và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tháng 7 để đàm phán về các yêu cầu kiểm dịch thực vật. Cùng tháng đó, một bản nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật sẽ được kí, theo Bộ trưởng.
Năm ngoái, ông Sakhon và các công ty trái cây hàng đầu Trung Quốc đã thảo luận về việc vận chuyển trực tiếp xoài Campuchia sang Trung Quốc. Họ thống nhất Campuchia có tiềm năng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn xoài hàng năm sang Trung Quốc.
Đầu tiên, các loại trái cây phải được kiểm tra bởi Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ). Sau đó, trước khi các lô hàng được chuyển đi, một nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật phải được kí kết.
Công ty cho biết nghị định thư này sẽ cho phép các lô hàng được xuất khẩu trực tiếp mà không phải thông qua một quốc gia thứ ba như Việt Nam. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Chi phí vận chuyển có thể giảm tới 400 USD mỗi tấn khi chuyển trực tiếp từ cảng nước sâu Sihanoukville.
Ông In Chayvan, Chủ tịch Hiệp hội xoài Kampong Speu, nói với tờ Khmer Times rằng ông muốn nhìn thấy các lô hàng xoài Campuchia xuất khẩu trực tiếp đến Trung Quốc sớm nhất có thể.
Ông cho biết có 10 công ty Trung Quốc đến gặp ông để hỏi mua xoài. Theo ông, phần lớn các công ty này đang mua xoài Campuchia từ các thương lái Việt Nam, những người mua xoài với số lượng lớn.
Ông Chayvan cho biết giống xoài keo Romeat đang rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. Phần lớn xoài này được xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan.
Ông lưu ý khoảng 99% xoài được trồng tại tỉnh là thuộc giống xoài Keo Romeat. Từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019, tỉnh đã thu hoạch được khoảng 50 tấn xoài.
Số liệu từ Tổng cục Nông nghiệp Campuchia cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu khoảng 15.300 tấn xoài trong 3 tháng đầu năm.
Nguồn: VITIC tổng hợp/TTXVN, Vietnambiz, Tuổi trẻ

Nguồn: Vinanet