"Cơn lũ" ATIGA chuẩn bị ập tới ngành mía đường
Như đã phản ánh trong phần 1, ngành mía đường Việt Nam đang gặp trăm bề khó khăn không chỉ về giá, sản xuất mà còn cả tiêu thụ.
Tình hình càng cấp bách hơn nữa khi hiệp định Thương mại tự do các nước ASEAN (ATIGA) chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Khi đó, hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ.
Sức ép đối với với ngành đường Việt Nam vốn đã rất nặng, khi có ATIGA, "quả tạ" ấy sẽ càng nặng thêm bởi đường nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa nhiều hơn.
Trước đó, năm 2016, nhận thức về nguy cơ ngành đường sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh sau khi ATIGA có hiệu lực, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) đã xin gia hạn hiệp định này vào ngày 1/1/2020 và được chấp thuận, thay vì đầu năm 2018.
Tại buổi làm việc với VSSA và một số doanh nghiệp mía đường ngày 8/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến 1/1/2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương đối với ngành mía đường.
Gia hạn thêm hai năm, ngành mía đường đã chuẩn bị những gì để "chống lũ"?
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết thời tại thời điểm hiệp hội kiến nghị đề xuất này, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sức ép cạnh tranh từ đường ngoài khi ATIGA có hiệu lực.

Tuy nhiên, tổng thể toàn ngành nói chung, người nông dân trồng mía, thậm chí ngay cả chính quyền nói riêng vẫn chưa thực sự. Trong khi đó, 75% - 80% giá thành đường là từ mía - nguồn cung chính chủ yếu từ nông dân, mà nông dân lại phụ thuộc vào chính quyền địa phương chỉ đạo.

Muốn hạ giá đường thì đầu tiên phải hạ giá thành mía thì phải hạ giá thành mía, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng (cụ thể là chữ đường). Trong khi đó, năng suất mía bình của Việt Nam thậm chí chưa bằng mức bình quân của toàn thế giới, duy trì ở mức trên 65 tấn/ha.
"Chỉ khi nào hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nước đến chân rồi, đụng chạm đến lợi ích của từng đối tượng, lúc đó người ta mới bắt đầu "nhảy", kêu ca. Ít ai chủ động nghiên cứu tác động của các hiệp định ngay từ đầu", ông Doanh nói.
Đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành mía đường nói riêng, để thay đổi lối làm cũ của toàn ngành không phải câu chuyên hôm nay nói, ngày mai làm được luôn mà phải là cả quá trình. Để giảm giá thành mía thì cần giảm chi phí đầu vào, chi phí nhân công và tăng năng suất mía. Một trong những giải pháp mà ngành đưa ra là cơ giới hóa trong trồng mía, dồn điền đổi thửa.
Ông Doanh thông tin trên thực tế bình quân một hộ có khoảng 0,3 - 0,5 ha trồng mía. Do đó, phải mất thời gian để các hộ này dồn điền đổi thửa, từ đó đưa máy móc vào sản xuất, tiết kiệm chi phí lao động.
"Việc để nông dân thực hiện những công việc trên chỉ trong vòng hai năm là điều không thể do cần phải có sự tự nguyện của nông dân. Nhà nước, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các hộ nông dân thấy lợi ích của dồn điền đổi thửa", ông Doanh nói.
Còn về chi phí vật tư, ông Doanh thông tin xưa nay bà con vẫn làm theo lỗi cũ, bón phân theo công thức mà không cần biết hiệu quả hay không. Nhiều khi nông dân bón phân lãng phí dẫn đến dư độ chua, dư magie.
Do đó, cần tính hiệu suất hấp thụ dinh dưỡng của phân bón với cây trồng. Một số nhà máy đang bắt đầu thí điểm bón phân theo dinh dưỡng của đất. Theo đó, họ lấy mẫu đất để phân tích ở từng khu vực đang thiếu chất gì sau đó đặt hàng cho các nhà máy phân bón về tỉ lệ các loại phân bón phù hợp trong khi hiệu quả cao lại tiết kiệm chi phí.
Việc xây hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho cây mía cũng mất thời gian, không phải một sớm một chiều có thể làm được.
"Sau hai năm nỗ lực, ngành đường đã thay đổi nhưng chưa nhiều. Bởi vì thông thường chính sách phải có độ trễ để thực hiện. Nói cách khác, những thay đổi vẫn thực sự "chín"và đủ", ông Doanh nói.
Thực hư chuyện VSSA xin tiếp tục gia hạn thời gian ATIGA bắt dầu có hiệu lực thêm 3 - 5 năm nữa
Trước đó, báo chí phản ánh trong công văn 41 của VSSA kiến nghị việc tiếp tục gia hạn thời gian ATIGA bắt dầu có hiệu lực thêm 3 - 5 năm nữa, ông Doanh cho biết trên thực tế đây chỉ là đề xuất mà ông trao đổi ngoài trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đó, một số doanh nghiệp phản ánh với hiệp hội về đề xuất này, sau đó trong buổi làm việc, ông Doanh truyền đạt ý kiến của doanh nghiệp mà không đưa vào công văn 41.
Ông Doanh cho hay sang 2020, ngành sẽ tiếp tục đánh giá tác động của ATIGA đối với ngành đường từ đó đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.
Hiện tại, VSSA mới đưa ra kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020, có giải pháp kiểm soát đường nhập khẩu bằng việc cấp phép theo chuyến và chỉ cho phép nhập khẩu đường thô.
Đồng thời VSSA cũng kiến nghị, trước mắt Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ dừng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với VSSA khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến mặt hàng đường lỏng (HFCS) để báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Luật Ngoại thương.
Nói về triển vọng ngành đường năm 2020 khi ATIGA có hiệu lực, ông Doanh cho biết hiện tại vẫn chưa thể nói trước điều gì do phụ thuộc lớn vào giá đường thế giới. Nhưng các nhà máy đường vẫn có thể tiêu thụ được mặc dù còn rất chậm.
Trong khối các nước thành viên hiệp định ATIGA, chính phủ một số nước đã có chính sách "khủng" hỗ trợ ngành đường. Điều này tác động thế nào đến ngành đường Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.

Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng