Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pháp trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 10,57% so với cùng kỳ 2017.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Pháp thời gian này thì nhóm hàng công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Dẫn đầu kim ngạch là điện thoại các loại và linh kiện đạt 501,1 triệu USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ 2017. Đứng thứ hai là giày dép tăng 0,75% đạt 205 triệu USD, kế đến là hàng dệt may tăng 22,33% đạt 193 triệu USD.
Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2018 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Pháp đều có tốc độ tăng trưởng, số này chiếm 76%, trong đó phải kể đến nhóm hàng gạo, sản phẩm sắt thép. Cụ thể, gạo tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ (tức tăng 203,4%) tuy kim ngạch chỉ đạt 494,7 nghìn USD; sản phẩm sắt thép tăng gấp 2,1 lần (tức tăng 114,44%) đạt 9,9 triệu USD. Ngược lại, nhóm hàng với kim ngạch suy giảm chỉ chiếm 24% và xuất khẩu hạt tiêu và cao su giảm mạnh nhất, giảm lần lượt 48,9% và 44,57% tương ứng với 2,6 triệu USD; 1,4 triệu USD.
Ngoài nhóm hàng gạo và sản phẩm sắt thép tăng mạnh, thì xuất khẩu sản phẩm mây tre cói, hạt điều cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kể, tăng lần lượt 64,46% và 77,19% đạt tương ứng 5,9 triệu USD; 20,8 triệu USD.
Đối với nhóm hàng thủy sản, Pháp hiện là thị trường thủy sản lớn nhất trong khu vực EU - 28 với doanh thu 5,5 tỷ USD. Nhu cầu về thủy sản của Pháp sẽ tiếp tục vượt xa sản lượng trong nước khiến nhập khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh. Với 64 triệu dân và mức tiêu thụ thủy sản hàng năm trên 75 pound, Pháp tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các nhà xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu 42,1 triệu USD nhóm hàng thủy sản sang Pháp, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017.
Pháp được nhận định là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa của các nước xuất khẩu bởi lẽ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Pháp tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thực tế, xuất khẩu từ Việt Nam sang Pháp còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Pháp còn rất lớn khi thị phần sản phẩm “Made in Việt Nam” tại Pháp còn rất nhỏ (trên dưới 2%) trừ giày dép (gần 10%) trên tổng nhu cầu thị trường.
Vì vậy, để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Pháp, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì, bảo đảm nguồn cung ổn định, đồng thời tham gia đều đặn các hội chợ chuyên ngành tại Pháp để xây dựng, phát triển quan hệ bạn hàng với các nhà nhập khẩu và các nhà môi giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn, để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa thông qua họ marketing các sản phẩm tại thị trường Pháp.
 

Nguồn: Vinanet