Trả lời VTV1 về việc Bộ Tài chính vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng cho ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước và Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì trong trường hợp ngân sách có thiếu hụt tạm thời thì có thể vay NHNN và hoàn trả trong năm.

Ngoài việc vay NHNN, Bộ Tài chính cũng lên hàng loạt giải pháp để gỡ khó cho ngân sách năm nay như cho phát hành lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm hay giao Kho bạc Nhà nước phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về áp lực cân đối ngân sách của Bộ Tài chính trong điều kiện giá dầu giảm mạnh và kim ngạch xuất khẩu giảm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hải cho biết khoản vay này là nghiệp vụ bình thường của Kho bạc Nhà nước chứ không phải tình hình ngân sách khó khăn hơn so với dự kiến đã đề ra.

Dẫn chứng số liệu thu ngân sách 7 tháng đầu năm đã đạt 59,8% dự toán năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là con số tích cực.

Trái ngược với sự lạc quan của đại diện Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng áp lực thu - chi ngân sách năm nay là rất lớn.

Trao đổi Vinanet.vn , TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung Tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính phải tính đến việc “cầu cứu” NHNN là do thu ngân sách Nhà nước tăng chậm. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ tăng 7,8% so với cùng kỳ, ít hơn so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 16,2%).

Nguyên nhân là do thu từ dầu thô đến thời điểm trên chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.

Trong khi đó, áp lực chi trả nợ công đè nặng lên “túi tiền” quốc gia. Mới đây, chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) cảnh báo, nợ công có xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên nguồn trả nợ. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.

Một vấn đề khác là việc Bộ Tài chính vay NHNN sẽ khiến lạm phát quay trở lại. Theo TS Đỗ Đức Định, trường hợp NHNN sử dụng lượng tiền sẵn có để cho vay thì không lo, song nếu phải in thêm tiền để hỗ trợ cho Bộ Tài chính thì có thể sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết Bộ Tài chính đã tính tới ảnh hưởng của việc đi vay tới lạm phát và lãi suất trong thời gian tới, để chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp với nhau đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

"Với tình hình thu và chi hiện nay tin tưởng bằng Bộ Tài chính sẽ kiên quyết điều hành và tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo bội chi 5% GDP", ông Hải nhấn mạnh.

Thái Hà