Tại cuộc họp báo về triển vọng kinh tế khu vực sáng nay (5/10), ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

"Nhóm 12 nước trong TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn. Đây là cơ hội lớn, chúng tôi đã có những dự tính tác động khá tích cực. GDP có thể tăng thêm 8-10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn", vị này nói.

Ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho hay hiện khó có thể trả lời chính xác tác động của hiệp định bởi vòng đàm phán được bảo mật, nhưng về tổng thể thì TPP mang lại nhiều lợi ích, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng. "Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng đem áp lực cho nhà sản xuất. Họ phải cạnh tranh mạnh hơn, nhưng điều này cũng tốt vì sẽ thúc đẩy năng suất lao động. Điều này rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn", ông Shetty bình luận.

 TPP được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, lập ra các quy tắc tiêu chuẩn cao về giao thương, đầu tư, dòng chảy dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Với quy mô chiếm non nửa GDP toàn cầu, đây được coi là một trong những hiệp định có quá trình đàm phán dài (khoảng 10 năm). TPP được kỳ vọng kết thúc quá trình đàm phán trong năm nay, trước khi sự chú ý dồn vào cuộc tranh cử chức Tổng thống tại Mỹ năm 2016.

Trong phiên họp cấp Bộ trưởng từ cuối tuần trước, giới truyền thông cho hay nhiều vấn về trong hiệp định đã đạt tiến triển lớn, như lĩnh vực ôtô, bảo hộ độc quyền dược phẩm. Buổi họp báo công bố kết quả đàm phán TPP dự kiến vào 3h sáng nay (giờ Việt Nam) nhưng liên tục bị hoãn lại để chờ các nước hoàn tất đàm phán. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản cho biết họ có thể công bố một thỏa thuận “trên nguyên tắc” trong hôm nay.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trước đó cũng công bố báo cáo về tác động của TPP tới kinh tế Việt Nam. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng cao nhất 2% nếu hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nổi bật nhất so với các nước khác. Tuy nhiên, quy mô GDP của Việt Nam còn rất nhỏ so với các nước thành viên khác, vì vậy sự tăng thêm GDP về giá trị tuyệt đối tính theo đồng đôla Mỹ nhỏ hơn rất nhiều, chỉ khoảng một phần tám so với Nhật và một phần ba so với Canada.

Đánh giá chung về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho hay hoạt động kinh tế tiếp tục tăng cường trong năm 2015 do cầu trong nước tăng, với GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Lạm phát thấp đã cho phép Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, thể hiện qua lãi suất tiền gửi bằng đồng đôla Mỹ giảm xuống 0-0,25%.

Đánh giá viễn cảnh trung hạn Việt Nam tích cực, nhưng tổ chức này cho rằng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro. Mất cân đối tài khóa kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng. Tình hình thu ngân sách năm 2015 đến nay cho thấy áp lực tài khóa còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Điều đó thể hiện thu ngân sách hiệu quả kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng.

Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiêp tục tăng và đạt mức 59,6% GDP trong năm 2014, từ mức 54,5% GDP trong năm 2013. Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất trong ngân sách.

Tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu cũng không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước. Cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước đã chậm lại trong năm 2015. Hoạt động củng cố ngân hàng đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn là vấn đề lớn. Thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) giải quyết nợ xấu.

"Tôi cho rằng không nên đưa ra hạn mức cứng nhắc, như 31/12 phải hoàn thành mục tiêu này vì điều quan trọng là chất lượng của việc thoái vốn khỏi những ngành kinh doanh cốt lõi", ông Sandeep khuyến nghị.

Theo Phương Linh

VnExpress

Nguồn: VnExpress