Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có đường biên giới dài 277,52 km tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái; diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 7.929,5 km2. Được chia thành 3 vùng khí hậu có những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông sản như: chè shan tuyết, dược liệu, mật ong bạc hà, cam sành, thảo quả, gừng …
Cam sành Hà Giang được trồng tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, vùng cam sành được hình thành từ đầu những năm 1980 và nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, bởi là vùng có diện tích cam sành lớn, chất lượng ngon, mang hương vị riêng biệt, hấp dẫn. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh và đã được phát triển tập trung nhằm mục đích tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cam sành Hà Giang đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng.

Đặc điểm chung của cam sành Hà Giang

Cam sành Hà Giang có các đặc thù riêng về hình thái và về chất lượng khác biệt so với các giống cam khác. Hầu hết các chỉ tiêu hình thái quả gồm: trọng lượng quả, chiều cao quả, đường kính quả, độ dày cùi đều và tỷ lệ phần ăn được đều có giá trị lớn hơn khi so sánh với cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), cam sành Lục Yên (Yên Bái). Các đặc thù về chất lượng đều có những nét riêng biệt như sau:
a) Về hình thái:
- Trọng lượng quả từ 212 - 252 g/quả.
- Đường kính quả từ 7,49 - 8,34 cm.
- Chiều cao quả từ 5,84 - 6,51 cm
- Số múi trong quả từ 11 - 13 múi.
- Số hạt cam trong quả từ 22 - 25 hạt.
- Tỷ lệ phần ăn được từ 61 - 71%.
b) Về cảm quan: Quả to và tròn, vỏ sần sùi, khi chín vỏ màu vàng cam, ruột cam màu vàng đỏ, có vị ngọt thanh, hơi chua dôn đốt, mọng nước và có mùi thơm đặc trưng của cam sành, có vỏ dày nên có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng.
c) Về chất lượng: Hàm lượng nước lớn trong dịch quả, độ brix, hàm lượng đường tổng số và vitamin C ở mức trung bình, hàm lượng axit hữu cơ tổng số tương đối cao.
- Hàm lượng vitamin C từ 19,54 - 24,61 mg/100 g dịch quả.
- Hàm lượng axit hữu cơ tổng số từ 0,63 - 0,78%.
- Hàm lượng đường tổng số từ 6,89 - 8,12%.
- Hàm lượng chất rắn hòa tan từ 8,25 - 9,60 độ Brix.
- Hàm lượng nước trong quả từ 87,22 - 89,34%.
- Hàm lượng chất khô từ 10,66 - 12,78%.
Diện tích, năng suất, sản lượng
Tình hình phát triển cây ăn quả cam trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2015 - 2018 được thể hiện qua bảng sau:

Qua số liệu từ năm 2015 - 2018 cho thấy diện tích, năng suất, sản lượng cây ăn quả cam tại tỉnh, hàng năm đều tăng lên. Từ năm 2015 - 2016, là năm có tổng diện tích cam tăng mạnh nhất trên 2.700 ha và từ năm 2016 - 2018 tăng thêm 541 ha (bình quân mỗi năm tăng thêm 180 ha). Về sản lượng cũng tăng rất mạnh bình quân trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 mỗi năm tăng thêm trên 12.000 tấn, nhất là từ năm 2015 - 2016 diện tích cho sản phẩm tăng mạnh, nên sản lượng cam trong năm đó tăng nhanh (tăng gần 20.000 tấn).

- Diện tích Cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng phát triển cam sành theo tiêu chuẩn, chất lượng, đến 2020 thì dự kiến diện tích cam được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 4.000 - 5.000 ha. Đến nay diện tích cam đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tính đến hết năm 2018 là: 3.527,6 ha, trong đó đã có một số diện tích trồng hữu cơ.
 Xây dựng, khai thác phát huy giá trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý
Năm 2016, sản phẩm cam sành Hà Giang được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và sau khi được cấp giấy chứng nhận, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện tăng cường kiểm tra các điểm (vùng) được xác nhận sản phẩm an toàn trong việc quản lý logo, tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang, phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm lợi dụng logo, tem, nhãn chỉ dẫn địa lý, từ đó nâng cao được giá trị, uy tín đối với sản phẩm cam sành Hà Giang.
Chế biến và thị trường tiêu thụ
a) Về chế biến sản phẩm từ quả cam tươi: Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 03 cơ sở chế biến nước hoa quả và tinh dầu cam, gồm:
- Nhà máy quy mô công nghiệp: Nhà máy chế biến nước hoa quả công suất 190.000 lít/năm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dược Bảo Châu, địa chỉ: Tổ 12, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
 - Cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gồm có:
 + Cơ sở chế biến tinh dầu cam công suất 2 tấn cam/ngày của Công ty TNHH Một thành viên Việt Nhi, địa chỉ: thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
 + Cơ sở chế biến tỉnh dầu cam và cốt cam công suất 5 tấn cam/ngày của Hợp tác xã Phú Vinh, địa chỉ: Xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
 b) Về thị trường tiêu thụ:
 Cam ở Hà Giang được tiêu thụ theo hai kênh lớn, chủ yếu là kênh ngoài tỉnh với 89,4% sản lượng cam của nông dân, kênh trong tỉnh tiêu thụ khoảng 11,6% sản lượng cam của nông dân. Thị trường chủ yếu tại các siêu thị, các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bán lẻ trong các cửa hàng hoa quả ... tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng vì sự nổi tiếng và chất lượng. Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội khách hàng đánh giá là sản phẩm sạch, ngon, hương vị đặc trưng.
Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang
- Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương, của UBND tỉnh Hà Giang … ngành Công Thương đã đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, giao thương kết nối, xúc tiến tiêu thụ để đưa các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm cam sành vào hệ thống phân phối tại các siêu thị, các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ... tại các tỉnh, thành phố.
- Chú trọng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì đóng gói cho các sản phẩm có tiềm năng thế mạnh của địa phương để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, đặc biệt là cam sành Hà Giang trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Công Thương, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Kinh tế nông thôn, Báo Du lịch, Báo Hà Giang, Đài PT-TH Hà Giang ...
- Tổ chức các đoàn giao thương kết nối cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các đối tác như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Fivimart, Siêu thị Metro, Chợ đầu mối Thủ Đức … và kết nối với các doanh nghiệp tại châu Vân Sơn, Vân Nam, Trung Quốc để xuất khẩu hàng hóa.
- Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại Hà Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; tại châu Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc … Tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa do các tỉnh, thành phố lớn tổ chức; tham gia quảng bá sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị IPU tại Hà Nội, Hội nghị APEC tại Đà Năng … và tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước tổ chức nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Cơ chế, chính sách phát triển cam
- Để thúc đẩy phát triển cây cam, nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam, tỉnh Hà Giang đã ban hành các cơ chế, chính sách như: Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về dự án và chính sách hỗ trợ chương trình cam sành; Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14/9/ 2017 của UBND tỉnh về Ban hành chi tiết thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang, qua đó:
+ Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha (đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha), thời gian hỗ trợ 24 tháng.
+ Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Ngoài ra, còn áp dụng các chính sách hiện hành khác về thu hút đầu tư doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định hiện hành.
- Để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thu sản phẩm cho bà con nông dân, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 06/6/2016 về Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Giang và Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2016 về Xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm theo Nghị quyết 209, giai đoạn 2016 – 2020.
Định hướng phát triển sản phẩm Cam sành giai đoạn 2019-2020
Đầu tư phát triển ngành sơ chế, bảo quản và chế biến cam: Trên cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư để có cơ sở sơ chế và công nghệ bảo quản sẽ bảo quản cam được lâu hơn, giảm áp lực thu hoạch với số lượng lớn vào chính vụ và đồng thời giảm được sự ép giá từ các đối tượng thu mua. Mặt khác, đầu tư vào chế biến sẽ tạo ra sản phẩm mới là nước ép cam, sẽ tận dụng được các loại cam loại thải chất lượng thấp, tiêu thụ với số lượng lớn, tạo ra nhiều việc làm mới và tạo ra nhiều giá trị gia tăng và tăng thương hiệu chung cho tỉnh. Đi đôi với chiến lược này kèm theo các hoạt động xúc tiến thương mại cần được phối hợp triển khai thực hiện mạnh mẽ.
Nâng cao năng lực về sản xuất, kiến thức, thông tin thị trường: Tận dụng những nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh, địa phương và các dự án để tăng cường kiến thức về khoa học kỹ thuật mới góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm và góp phần tăng thu nhập cho người trồng cam. Đồng thời, tăng cường thông tin về thị trường giá cả, khả năng hạch toán kinh tế, tăng cường khả năng thương thuyết/ngã giá với người mua.
Hỗ trợ xây dựng mối liên kết thị trường giữa các nhà vật tư nông nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân sản xuất cam: Mục đích xây dựng liên kết, có lợi cho người trồng cam và người bán vật tư. Mặt khác họ sẽ trở thành mối làm ăn tin cậy của nhau và sẽ nhận được vật tư với số lượng, chất lượng tốt hơn.
Thành lập và củng cố các tổ chức nông dân sản xuất cam: Thành lập và củng cố các tổ chức nông dân là một trong các chiến lược rất quan trọng nhằm tạo mối liên kết với các nhà vật tư nông nghiệp, khắc phục các điểm yếu về vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, năng lực tiếp cận thông tin thị trường và đặc biệt là nâng cao quyền lực thị trường khi đàm phán giá cả với người mua. Thúc đẩy phát triển Hiệp hội cam sành Hà Giang, mỗi huyện sẽ thành lập 01 Chi hội; Hiệp hội sẽ đại diện cho các thành viên để giúp cho người trồng cam có thể chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường lẫn nhau, nâng cao năng lực về vốn đầu tư từ hỗ trợ của chính sách phát triển kinh tế hợp tác.
Tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho người trồng cam: Nhằm giúp người trồng cam tăng cường kiến thức chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cam. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng cam, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng cam.
Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý Cam sành Hà Giang: Hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm cam Hà Giang được rộng rãi hơn thì việc xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm không chỉ thông qua hình thức hội chợ, panô, áp phích mà cần thực hiện cả trên các phương tiện như truyền thanh, truyền hình, phóng sự... trên cả các kênh Trung ương nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước để định vị thương hiệu cam sành Hà Giang.
Quảng bá, xúc tiến tiêu thụ
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020;
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam sành trên các phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương;
- Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng quy mô ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng, mẫu mã, bao bì, thương hiệu của sản phẩm cam sành.
- Mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ.
- Xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang và áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ blockchain để phục vụ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh - Triển khai xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang.
- Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý thương mại, xúc tiến thương mại và cho đội ngũ nhân viên thực hiện hoạt động maketing, tiêu thụ sản phẩm … của các doanh nghiệp.
Trên đây là báo cáo đề dẫn về tiềm năng, lợi thế và công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2018 - 2019.

Nguồn: UBND tỉnh Hà Giang

Nguồn: Vinanet