Đặt nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á ở Việt Nam
Tại Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho PHA vào giữa tháng 6 vừa qua, tại Hải Phòng, ông Frank Wouters - Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Hải Phòng (DEEP C) không giấu nổi vui mừng khi chia sẻ, PHA là khách hàng đặc biệt của DEEP C. Bởi lẽ, đây không chỉ là một trong những khách hàng đầu tiên, khách hàng lớn nhất chọn Khu công nghiệp DEEP C II làm nơi đầu tư mà còn là khách hàng đầu tiên của DEEP C sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô - ngành công nghiệp được thành phố Hải Phòng nói riêng và nước ta nói chung dành sự quan tâm, ưu tiên lớn để phát triển.
Đáng chú ý, không phải tự nhiên PHA chọn Việt Nam làm địa điểm để đặt nhà máy sản xuất mà đã trải qua quá trình khảo sát nghiêm túc và kỹ lưỡng. Ông Lee Jae Seung cho biết, PHA đã dành hơn một năm tìm hiểu các vấn đề liên quan đến thị trường nhằm xác định đâu là nơi thích hợp để đầu tư. Riêng tại Đông Nam Á, PHA đã khảo sát 7 nước và nhận ra Việt Nam là đất nước phù hợp nhất cho dự án của PHA nhờ vị trí địa lý phù hợp, nguồn nhân lực trẻ, chăm chỉ và khéo tay.
Cơ chế chính sách với những điều khoản có lợi cho DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô hoạt động ngay tại thị trường Việt Nam cũng là động lực thu hút nhà đầu tư của Hàn Quốc đến Việt Nam, đơn cử như Nghị định 116/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Ông Lee Jae Seung cho hay, hiện nay, Việt Nam mới có ít nhà đầu tư chuyên về sản xuất linh kiện ô tô. Nhưng với những thuận lợi lớn từ chính sách, vị trí và nguồn nhân lực, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều hơn vì ngoài PHA, nhiều nhà đầu tư khác của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện đang tìm giải pháp đầu tư vào Việt Nam. Khi các nhà đầu tư này đến Việt Nam, cơ hội để kéo theo sự phát triển của các DN trong nước là rất lớn.
Ngoài việc là một trong các nhà đầu tư đầu tiên tại Deep C II, PHA còn thu hút thêm các DN trong chuỗi cung ứng cùng đầu tư tại Việt Nam. Sự hình thành cụm công nghiệp ngành ô tô tại Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C là nền tảng để phát triển hình ảnh thành phố Hải Phòng là thành phố của ngành ô tô.
Theo ông Lee Jae Seung, hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển nên PHA chưa kỳ vọng nhiều vào việc mua hay bán linh kiện ô tô cho thị trường trong nước. Nhưng thời gian tới, PHA tin rằng, với những tiềm năng về cơ chế chính sách, con người, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ phát triển và ngoài xuất khẩu ra nước ngoài, PHA sẽ còn cơ hội bán linh kiện cho DN ô tô trong nước, cũng như mua lại các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô từ các DN Việt Nam. Mặt khác, với mục tiêu nội địa hóa càng nhiều càng tốt, việc cung cấp sản phẩm cho các DN Việt Nam sẽ giúp HPA giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các DN Việt Nam.
Đồng ý kiến, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đứng trong các chuỗi cung ứng có thể hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của mình bằng cách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật hoặc đào tạo nguồn nhân lực cho các DN nội địa Việt Nam. Điều này không chỉ đơn thuần giúp DN Việt Nam phát triển mà cũng chính là cách khiến DN đa quốc gia, FDI nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn tại Việt Nam vì chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa.
Tháo gỡ các “nút thắt”
Thừa nhận Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành “điểm đến” của các DN sản xuất linh kiện ô tô, từ đó tạo động lực kéo theo sự phát triển của DN nội địa, nhưng ông Lee Jae Seung cũng cho hay, cần một số cải thiện để DN phát triển ngành công nghiệp này.
Cụ thể, nguồn lao động trẻ và dồi dào là lợi thế của Việt Nam, nhưng người lao động Việt Nam chưa có đủ trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng chuyên môn... để tiếp nhận những công nghệ cao, phức tạp. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô lại đòi hỏi linh phụ kiện có độ chính xác và an toàn lớn vì liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, cần phải có thêm thời gian và sự đào tạo bài bản để nguồn lao động này có thể tiếp cận được tốt nhất công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, logistics đang là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thời gian qua, Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh chóng trong cải thiện cơ sở hạ tầng như cầu đường, cảng biển nhằm giảm chi phí logistics cho DN. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hệ thống này, đồng thời cải cách hành chính triệt để hơn nữa để hỗ trợ DN logistics giảm tối đa chi phí giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho DN nói chung và DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng.
Dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 9/2019, nhà máy của PHA tại Khu kinh tế Đình Vũ sẽ đưa ra thị trường 7,5 triệu sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô/năm. Ông Lee Jae Seung cho biết, mục đích chính của Pyeong Hwa là cung cấp phụ tùng ô tô cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có thể bao gồm cả VINFASTcủa Tập đoàn Vingroup.
Nguồn: Phương Lan/Báo Công Thương điện tử