Ông Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và các lãnh đạo cấp cao của Bộ Công Thương nhiệt liệt hoan nghênh sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng DN trong việc xây dựng cơ chế DPPA.
 
Việt Nam mong muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 1.650 MW vào năm 2020 và 18.000 MW vào năm 2030. USAID và Bộ Công Thương Việt Nam sẽ hợp tác xây dựng cơ chế hỗ trợ khách hàng mua điện trong khu vực tư nhân và các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ký kết các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Cơ chế DPPA sẽ cho phép các DN mua năng lượng tái tạo ở Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh mới cho các công nghệ năng lượng sạch đẳng cấp thế giới. Việc mở rộng và đơn giản hóa việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và cam kết hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam và USAID để hoàn thành mục tiêu này.
 
Các công ty đầu tư và xây dựng năng lượng sạch có kinh nghiệm của Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ thiết lập cơ chế DPPA đẳng cấp thế giới. Cùng với các đối tác trong chuỗi cung ứng của họ, các công ty này tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân và đóng góp hàng tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
 
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO APEC), USAID cùng với Bộ Công Thương Việt Nam và các nhà lãnh đạo DN từ khắp nơi trên thế giới cũng xác định tầm quan trọng giữa các chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nhanh chóng mở rộng khả năng tiếp cận lĩnh vực năng lượng tái tạo và đạt được các mục tiêu chung trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng.
Được biết, Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V- LEEP) do USAID tài trợ với kinh phí thực hiện trên 9,3 triệu USD được triển khai trong vòng 5 năm (2015-2020) nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khung chính sách và cơ chế để khuyến khích phát triển các giải pháp năng lượng phát thải thấp, đồng thời thu hút đầu tư công - tư (PPP) trong phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp. Cụ thể, hiện V-LEEP đang phối hợp với với Ban Kinh tế Trung ương để hỗ trợ xây dựng chiến lược đưa năng lượng sạch trở thành cấu phần cơ bản của an ninh năng lượng quốc gia; hỗ trợ Bộ Công Thương trong hoạt động chuyển đổi thị trường điện của Việt Nam thông qua các phương pháp tiếp cận chính sách sáng tạo và phân tích số liệu hiện đại.
 
Cũng thông qua V-LEEP, USAID và Chính phủ Việt Nam cùng hợp tác hướng tới hài hòa hoá các chiến lược, luật, chính sách và quy định quốc gia nhằm khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả về mặt chi phí. Đơn giản hoá các quy trình thủ tục liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách cung ứng điện cho các hộ gia đình và DN từ nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch và phong phú của mình (gió, mặt trời và sinh khối).
 
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công thương điện tử