Theo dữ liệu của SolarGIS (Đơn vị chuyên nghiên cứu, tư vấn về năng lượng tái tạo của Hà Lan) đánh giá các tỉnh thành Nam Trung bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận là những nơi có mức bức xạ mặt trời cao nhất khu vực Nam Á và Đông Nam Á (có điều kiện bức xạ nhiệt mặt trời tương tự như các bờ biển phía Bắc Java, Luzon và nhiều vùng trung tâm của Ấn Độ).
Ông Thomas Jakobsen - Giám đốc điều hành mảng năng lượng tái tạo của Công ty Saigon Asset Management cho biết tại buổi thông tin về hội thảo "The Solar Future Vietnam" tại TP. Hồ Chí Minh mới đây công suất dự kiến nguồn năng lượng tái tạo có thể cao hơn đạt mức 18 - 19 GW. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành năng lượng mặt trời đang chú ý đến các nước Đông Nam Á đặc biệt Việt Nam nhưng việc quyết định đầu tư các dự án lớn chưa thực sự khởi động nhanh.
Lý giải cho điều này ông Thomas Jakobsen cho biết thêm những nền tảng cơ bản hiện đã ổn định và thuận lợi để triển khai kinh doanh quang điện. Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến Việt Nam là do khung pháp lý cho ngành quang điện đã được ban hành, nhưng chỉ có khung pháp lý thì chưa đủ để biến Việt Nam thành một thị trường hấp dẫn. Đơn cử các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo đã xin được giấy phép đầu tư để xây dựng nhà máy khai thác điện có công suất khoảng 3 GW, nhưng cho đến nay chỉ được chấp nhận các dự án năng lượng mặt trời mới với công suất 1 GW.
Ngoài ra, hợp đồng mua bán điện đã cung cấp một nền tảng ổn định cho sự phát triển quang điện, song các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng vẫn quan ngại với những điều khoản về khả năng thanh toán qua ngân hàng, khó khăn trong giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài và các rủi ro khác. Hay các hợp đồng mua bán điện này rất khó thực hiện vì không rõ tất cả lượng điện sản xuất ra sẽ được sử dụng đến đâu - Thomas Jakobsen nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quang điện tiềm năng cũng có nhiều lý do để thận trọng khi sự phát triển chậm chạp của ngành điện gió Việt Nam trong thập kỷ qua. Cụ thể khoảng một thập kỷ trước, các dự án điện gió với công suất khoảng 6 - 7 GW đều được cấp giấy phép đầu tư, nhưng các hợp đồng mua bán điện chỉ thương lượng mức công suất khoảng 400 MW trên tổng số. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), đến cuối năm 2016, công suất lắp đặt tích lũy điện gió của Việt Nam chỉ đạt 159 MW.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiến hành công bố các dự án đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo thời gian qua một lần nữa chứng minh cho thấy sức hấp dẫn trong lĩnh vực đầu tư này.
Song để thu hút các nhà đầu tư với các dự án lớn, tiến độ thực hiện các dự án nhanh cần phải tháo gỡ nhanh những vướng mắc cho các nhà đầu tư. Ngoài chính sách về giá đã được Chính phủ ban hành vẫn còn nhiều yếu tố khác liên quan như cơ sở hạ tầng để truyền tải lưới điện bởi càng nhiều năng lượng tái tạo thì hệ thống điện hiện tại càng nhiều nguy cơ, bất ổn. Các thủ tục như việc xin bổ sung quy hoạch dự án vào hệ thống, kế hoạch phát triển điện lực của địa phương cũng như của quốc gia, hay vấn đề xin cấp đất, xin giấy phép đấu nối, thỏa thuận mua bán điện với EVN... Tất cả những vấn đề này đều tác động đến nhà đầu tư về mặt chi phí tài chính cũng như thời gian, không loại trừ cả những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu trong quá trình thực hiện.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử