Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9,13%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,13% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 9%; quý 2 tăng 9,24%), thấp hơn mức tăng 9,28% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của toàn ngành với mức tăng 11,18% (quý I tăng 11,52%; quý II tăng 10,9%), đóng góp 7,1 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,63%, đóng góp 1,51 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,79%, đóng góp 0,16 điểm %; ngành khai khoáng tăng 1,78% sau 3 năm giảm liên tục (do khai thác dầu thô có mức giảm thấp hơn cùng kỳ năm trước và khai thác than, quặng kim loại đều tăng cao), đóng góp 0,36 điểm% vào mức tăng chung.
Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 10,3% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 9,8% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 10,5%).
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 69,1%; sản xuất kim loại tăng 40,1%; khai thác quặng kim loại tăng 18,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,7%; in, sao chép bản ghi các loại và sản xuất giường, tủ, bàn, ghế cùng tăng 13%; khai thác than cứng và than non tăng 11,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,7%; dệt tăng 11,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 59,5%; xăng, dầu tăng 58,1%; ti vi tăng 29,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 17,9%; sơn hóa học tăng 14,5%; thức ăn cho thủy sản tăng 14%; ô tô tăng 12,8%; than sạch tăng 11,8%; điện thoại di động tăng 11,1% (điện thoại thông minh tăng 13,8%).
Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh Trà Vinh dẫn đầu với mức tăng 43,13% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do điện sản xuất tăng; tiếp theo là Thanh Hóa tăng 42,6% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Hà Tĩnh tăng 30,98% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 24,93%; Quảng Ninh tăng 13,51%; Vĩnh Phúc tăng 12,95%; Hải Dương tăng 10,38%; Thái Nguyên tăng 9,76%; Đồng Nai tăng 9,12%; Bình Dương tăng 7,65%; Hà Nội tăng 7,72%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2019 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,9%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 64,9%; sản xuất kim loại tăng 31,6%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 17,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%; sản xuất đồ uống tăng 10,1%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) và sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu cùng giảm 7,2%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2019 tăng 16,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 11,4%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 1,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 16,1%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 16,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 16,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 141,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) tăng 117,6%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 73,1%; sản xuất kim loại tăng 48,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 32,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 31,3%; sản xuất trang phục tăng 23,7%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2019 khá cao với 74,9% (cùng kỳ năm trước là 63,4%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 274,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 128,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 94%; sản xuất, chế biến thực phẩm 78,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 73,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 70,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2019 tăng 1,5% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,2%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 3,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê