Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, kim ngạch XK của doanh nghiệp thành phố qua các cửa khẩu 8 tháng đầu năm đạt 22,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 38,65%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 61,35%.

Hai nhóm hàng chính là nông - thủy sản và công nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt 14,52 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng trong nhóm có kim ngạch tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 38,5%; giày dép đạt 1,77 tỷ USD, tăng 9,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,46 tỷ USD, tăng 9,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 496,2 triệu USD, tăng 66%...
Nhóm nông - lâm - thủy sản đạt kim ngạch XK 3,41 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2016. Các mặt hàng trong nhóm này có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại như thủy - hải sản đạt 493,8 triệu USD, tăng 11,1%; cao su 455,1 triệu USD, tăng 26,2%; hàng rau quả 320,4 triệu USD, tăng 19,4%; hạt điều 312,5 triệu USD, tăng 9,6%...
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đạt được kết quả trên, một phần do hỗ trợ của ngành Công Thương thành phố với cộng đồng doanh nghiệp như: Tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong kinh doanh. Nhờ vậy, 8 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng ở mức 15,9% và hầu hết các mặt hàng có kim ngạch lớn đều có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao 38,5%; giày dép tăng 9,5%... Đáng chú ý, cơ cấu hàng XK đã có sự chuyển dịch theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng nhóm hàng thô (hiện tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến đạt 76,1%). Thị trường XK cũng tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc...
Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử