Những yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch… đòi hỏi sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
Tính bổ trợ hàng hóa giữa Việt Nam và EU cao hơn khi có EVFTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định hiệp định thương mại từ do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội.
Nói rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đối các doanh nghiệp hàng loạt mặt hàng được giảm thuế xuống còn 0%, mở đường cho hàng hóa Việt Nam vào trong thị trường EU và ngược lại.
Nhận định này được Bộ trưởng đưa ra trong buổi đối thoại về hiệp định thương mại tự do và hiệp định EVFTA - Cơ hội cho các doanh nghiệp được tổ chức ngày 1/7 tại Hà Nội.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng người tiêu dùng hai bên cũng có cơ hội được sử dụng hàng hóa chất lượng với giá cả hấp dẫn.
"EVFTA là hiệp định tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam xét trên cả khía cạnh tự do và công bằng. Do đó, EVFTA là hiệp định tốt cho Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chừng nào thực hiện EVFTA càng sớm hiệp định mang lại lợi ích càng cao", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra tính bổ sung trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU cũng rất cao. Thị trường châu Âu cung cấp nhiều nguyên liệu đối với các nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
"Đối với mặt hàng da dày, dệt may của Việt Nam, dung lượng dành cho Việt Nam đủ lớn để khai thác các cơ hội, hình thành chuỗi giá trị", Bộ trưởng nhấn mạnh
Đồng thời EVFTA đem lại cơ hội về tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, đóng góp tăng trưởng GDP cho đất nước, nâng cao công nghệ.
Cắt giảm thuế quan không phải là tất cả
Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra vẫn còn một số khó khăn. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế về quy mô, đội ngũ nhân lực, khả năng quản trị.
Do đó, khi Việt Nam là đối tác với các nền kinh tế lớn, trình độ công nghệ lớn; do đó đây là cuộc chơi đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng ta cũng thấy, mặc dù có lợi thế giảm thuế nhưng hàng rào thuế quan không phải là tất cả.
Cắt giảm hàng rào thuế quan tạo những bước đi rất cơ bản. Những yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch… đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đó", Bộ trưởng nhận định.
Nói rõ hơn về khó khăn này, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU cho biết: "EU cũng cần bảo vệ người tiêu dùng trước hàng hóa nhập khẩu.
Do đó, EU đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực không chỉ đối với EVFTA mà còn đối với các FTA đã và sẽ có trong tương lai".
Đại diện Bộ Công thương Việt Nam chỉ ra thế giới đang phải đối mặt với bảo hộ mậu dịch, xung đột thương mại, nên tác động và việc thực thi những hiệp định đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động.
Thách thức còn đặt ra đối với thương mại, phân phối bán lẻ trong nước bởi áp lực cạnh tranh đã rất cụ thể với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp.
Chấp nhận vào cuộc chơi lớn, nếu Việt Nam vượt qua được thì cũng đủ sức để có thể tham dự bất kì hình thức, quy mô nào trong hội đồng thế giới. Chính vì vậy, những thách thức này sẽ biến thành những giải pháp cụ thể, tạo đà phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Vũ Tiền Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), các doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với những thách thức về quy tắc xuất xứ.
Nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng hiện nay vẫn còn nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN. Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nắm rõ hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho biết bản thân Trung tâm WTO (VCCI) hiện nay vẫn chưa thể tiếp cận nhiều đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế nguồn lực.
Cần thông thoáng thể chế
Để tận dụng tối đa những cơ hội từ EVFTA ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thông thoáng về thể chế. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ công nghiệp, giảm giá thành sản xuất - những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
"Thể chế mà bó buộc thì doanh nghiệp cũng khó khăn để bơi ra biển lớn", ông Lộc nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân tài, nhất là đối với vị trí lãnh đạo.
Nguồn: Vietnambiz.vn