Từ ngày 27/9 đến 4/10, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), thuộc Bộ Công Thương sẽ thực hiện chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”. Chương trình sẽ diễn ra trên quy mô lớn ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng vớ nhiều hoạt động ý nghĩa tôn vinh và quảng bá hàng Việt Nam.

Nhân sự kiện này, Vinanet ghi lại những chia sẻ của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện đơn vị tổ chức chương trình và đại sứ của chương trình:

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Người tiêu dùng tin yêu hàng Việt hơn

Chúng tôi mong muốn Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 tập trung thông tin tuyên truyền cho các sản phẩm, thương hiệu tham gia hội chợ là hàng Việt Nam có chất lượng, tính cạnh tranh cao.

Chương trình không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ. Chúng tôi chọn lựa doanh nghiệp tham gia dựa trên nhóm doanh nghiệp thương hiệu mạnh Quốc gia, doanh nghiệp tham gia tích cực cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, doanh nghiệp do hiệp hội làng nghề giới thiệu. Bên cạnh đó sẽ có hỗ trợ cho các doanh nghiệp làng nghề, miễn phí truyền thông, miễn phí gian hàng.

 

Hiện nay trên thị trường các mặt hàng được cạnh tranh khắc nghiệt. Để người tiêu dùng chọn sản phẩm Việt thì sản phẩm phải mang tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng tốt hơn, và đáp ứng sở thích, yêu cầu của người sử dụng.

Qua lần tổ chức này, chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng biết được sản phẩm Việt nhiều hơn, tin dùng hàng Việt hơn, đặc biệt những sản phẩm có chất lượng. 

Ông Vũ Hùng Sơn (Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - VITIC): Sẵn sàng đối mặt với hàng giả, hàng nhái

Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương tổ chức chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”. 

Thực tế, hiện nay hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trong người tiêu dùng, đây là một điều đáng mừng vì hàng Việt thực sự có uy tín. Tuy nhiên, tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái tràn lan là một điều đáng lo ngại. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đối mặt và không né tránh.


Thông qua chương trình, tôi hi vọng  Bộ Công Thương, các cơ quan truyền thông , báo chí sẽ cảnh báo tình trạng hàng giả, hàng nhái đến cộng đồng người tiêu dùng. Cục quản lý thị trường giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái.

Đồng thời, chương trình cũng là dịp tôn vinh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng đối với doanh nghiệp làm việc chân chính. Nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Kế hoạch trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp đã thành công trong vấn đề nhận diện sản phẩm, hội đồng cố vấn, định hướng 5 năm sau sẽ ban hành tài liệu mang tính tham khảo, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận diện được hàng Việt.

Diễn viên Mai Thu Huyền - Đại sứ Chương trình: Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hàng Việt

Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào những sản phẩm Việt Nam. Tôi đánh giá cao nỗ lực của những nhà máy sản xuất ở Việt Nam khi đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, dây chuyền để có sản phẩm chất lượng đồng thời rất quan tâm đến mẫu mã bao bì ấn tượng.

Tuy nhiên, tôi thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng ít quan tâm đến truyền thông, marketing, quảng báo. Nhiều năm trước, doanh nghiệp nghĩ hữu xạ tự nhiên hương, hàng tốt sẽ có người biết, hàng không tốt thì mới phải quảng cáo. Tôi nghĩ đó là quan niệm sai lệch. Chúng ta phải quảng bá để người tiêu dùng biết sản phẩm có gì đặc biệt, tại sao tốt, tốt như thế nào để người tiêu dùng biết được.

Những thương hiệu Việt lớn, có chất lượng họ đã đẩy mạnh quảng bá và tiếp cận được người tiêu dùng, chiếm được thị phần tốt như Vinamilk. Nhiều sản phẩm của Việt Nam không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu, được bạn bè quốc tế ưa chuộng cũng nhờ chất lượng đi liền với quảng bá thương hiệu.

Để hàng Việt chinh phục người tiêu dùng tốt hơn, chúng ta cần tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Chúng ta có lợi thế khi cạnh tranh trên sân nhà về giá thành bởi có nhân công giá rẻ, nếu có chiến lược truyền thông markeing bài bản, quảng bá thương hiệu, chắc chắn sẽ chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, tôi nghĩ bất kỳ người Việt Nam nào yêu nước đều tự hào về những gì thuộc về dân tộc của mình, đất nước của mình. Khi ra nước ngoài, thấy sản phẩm Việt Nam xuất hiện đâu đó ở các nước, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.

Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất, họ sẽ ủng hộ hàng Việt Nam để kinh tế Việt Nam, nhưng ngược lại hàng Việt cũng phải chinh phục họ bằng chất lượng, uy tín và giá thành tốt.

Tôi muốn nhấn mạnh, mỗi đơn vị khi sản xuất ra hàng hóa phải dành ra một ngân sách dành cho truyền thông, quảng bá với chiến lược bài bản sẽ góp phần tiếp cận nhanh với người tiêu dùng.

Hiện người tiêu dùng Việt đang đi theo ba xu hướng: Một là yêu hàng Việt, thích sử dụng hàng Việt. Hai là đối tượng có tư tưởng sính ngoại, cho rằng hàng nước ngoài là tốt, trả giá cao một cách vô lý. Ba là người thu nhập thấp, thường dùng hàng giả, hàng nhái với giá thành rẻ. Việc ủng hộ hàng giả, hàng nhái vô tình làm sự cạnh tranh không lành mạnh. Với vai trò là Đại sứ và thành viên ban tổ chức, tôi cố gắng để nhiều người ở đối tượng tiêu dùng thứ hai và thứ ba sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

 

Chương trình vinh dự đón nhận sự bảo trợ chính thức của Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự đồng hành của Nhà Tài trợ Kim Cương - Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), các Nhà Đồng tài trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

 

Hải Yến - Kiều Linh ghi 

                                                                                        Ảnh: Lê Hùng