Chiều nay 9/10, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã trao đổi với báo chí truyền thông nhiều câu hỏi đến đàm phán TPP và các khái niệm liên quan...
Trả lời câu hỏi khi vào TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ khó khăn gì và dự báo trong thời gian tới, Thứ trưởng Khánh cho hay, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam hội nhập và ngành chăn nuôi vẫn luôn được Chính phủ quan tâm. Nếu như trước đây, khi Việt Nam vào ASEAN, WTO, thuế nhập khẩu các mặt hàng này chưa bao giờ được xóa bỏ thì ngược lại khi vào TPP, thuế nhập khẩu giảm về 0%.
"Chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn vì đây là lần đầu tiên cân nhắc thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà được giảm về 0%. Nhưng ngành chăn nuôi sẽ có 10 năm để chuẩn bị, thay đổi để hội nhập dần", Thứ trưởng Khánh khẳng định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu kinh nghiệm ứng phó từ các nước khi tham gia nhập khẩu, sau đó sẽ công bố thông tin.
Về việc liệu nhập siêu có tăng khi thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu dần về 0%, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, hàng rào thuế quan giảm xuống, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa tăng lên. Nhưng khi vào TPP, các nước thành viên như Nhật Bản, Canada, đều có cơ cấu hàng hóa bổ sung.
"Thời gian gần đây Việt Nam liên tục xuất siêu. Cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung nhiều hơn nên xuất khẩu sẽ tăng nhiều hơn là nhập khẩu", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ trưởng Thương Mại, cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán Hiệp định TPP cho rằng, có khả năng nhập siêu tăng trong thời gian đầu vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều. Tuy nhiên, nhập siêu không hẳn xấu vì năm 2007, khi Việt Nam vào WTO, vốn đầu tư vào gấp nhiều lần năm 2006. Sau này chuyển dịch nền kinh tế, thì xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng lên, ông Tuyển khẳng định.
Huyền Thương - Kiều Linh