Tham dự buổi làm việc, về phía Đại sứ quán Mông Cổ, có Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Bilegdorj Dash và Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế, thương mại. Về phía Việt Nam gồm có đại diện các Vụ: Thị trường châu Á – châu Phi, Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Chính sách thương mại đa biên; các Cục: Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại.

Tại buổi làm việc, hai Bên đã thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch của mỗi nước; đánh giá cao nỗ lực của mỗi Bên trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương thời gian qua. Ghi nhận những kết quả hợp tác thương mại tích cực gần đây, nhưng hai Bên đều chỉ ra rằng sự hợp tác này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước. Hai Bên cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy sự hợp tác đi vào chiều sâu nhằm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Để đạt được kết quả như mong muốn, hai Bên cùng nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường hợp tác triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Kỳ họp lần thứ 16 UBLCP Việt Nam và Mông Cổ tổ chức tại U-lan-ba-tor vào tháng 7/2017. Hai nước cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất thực hiện các biện pháp cụ thể như: (i) Quan tâm đến việc phối hợp chính sách hai nước, xây dựng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch đối với các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam và các sản phẩm chăn nuôi (thịt dê, cừu) của Mông Cổ; giảm thiểu các thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu nhằm giảm các chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hànghóa; (ii) Thúc đẩy hợp tác về giao thông vận tải nhằm làm giảm chi phí vận tải, logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu; giao lưu về người, hàng hóa và phương tiện giữa hai nước, cụ thể như: Nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng hai chiều Hà Nội-U-lan-ba-to khi có đủ các điều kiện cần thiết; Hợp tác trong giao thông đường bộ, đường sắt giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. (iii) Xem xét tạo thuận lợi đặc biệt, ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, trồng trọt và chế biến thực phẩm, phân phối, sản xuất sợi len, chế biến da và da bán thành phẩm; (iv) Tăng cường phối hợp và hợp tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư; xây dựng cơ chế đối thoại chính sách, trao đổi thông tin và duy trì các hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp hai nước.

Trưởng đoàn phía Mông Cổ, Ngài Quốc vụ Khanh Bộ Ngoại giao đánh giá cao quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp đồng thời khẳng định, Mông Cổ sẵn sàng tích cực ủng hộ triển khai các nội dung hai Bên đã thỏa thuận tại Biên bản Kỳ họp UBLCP lần thứ 16 vừa qua.

Hai Bên cùng thống nhất tăng cường trao đổi thông tin và kết nối triển khai các nhiệm vụ thông qua đầu mối của Bộ Công Thương Việt Nam với Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ để hỗ trợ tốt nhất các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư song phương. Hai Bên cũng thảo luận về khả năng thành lập Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp trong khuôn khổ UBLCP Việt Nam – Mông Cổ như là một trong những cơ chế cần thiết điều phối các cơ quan và đơn vị hai nước tập trung hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư song phương.

Năm 2017, kim ngạch hai chiều Việt Nam – Mông Cổ đạt 67,9 triệu USD, tăng 16,5%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mông Cổ đạt 14,4 triệu USD, giảm 24,2% so với năm 2016, nhập khẩu đạt 53,5 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tiếp tục nhập siêu 39,1 triệu USD (tăng tới 93,6%). Mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa hai nước gồm điện thoại và linh kiện, sản phẩm hóa chất, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, đồng thỏi.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Nguồn: Moit.gov.vn