Ồ ạt nhập khẩu thịt, gây khó ngành chăn nuôi
Tienphong.vn đưa tin, giữa lúc bệnh dịch tả lợn châu Phi gây “đại họa”, làm 2,6 triệu con lợn bị tiêu hủy và chưa dừng lại, ngành chăn nuôi lợn lại chịu thêm sức ép từ lượng thịt lợn nhập khẩu tăng nhanh. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp khó cản được thịt lợn nhập khẩu.
4 tháng đầu năm 2019, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhập về đạt gần 23,6 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, lượng lợn tiêu hủy có thể lên 20-30% tổng đàn nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Lúc đó do thiếu hụt nguồn cung, lượng thịt lợn nhập về tăng mạnh là khó tránh khỏi, giá cả cũng sẽ biến động rất lớn. Tuy nhiên, lượng thịt lợn nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất xúc xích, thịt nguội…chưa thể thay thế loại thịt tươi truyền thống.
Nói về tác động của thịt nhập với chăn nuôi lợn trong nước, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nhập khẩu thịt là quyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu lượng thịt nhập về ồ ạt thời điểm này sẽ gây bất lợi rất lớn cho chăn nuôi trong nước, các trang trại khi biết thông tin thịt nhập về nhiều sẽ dễ chán nản, chùn bước trong việc tái đàn tới đây. Mặt khác, nếu lượng thịt nhập khẩu về giá thấp hơn thịt lợn trong nước, người chăn nuôi sẽ thêm phần kiệt quệ. Để giúp ngành chăn nuôi lúc này, cần điều tiết, hạn chế nhập khẩu thịt lợn. “Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt, chỉ cần một thời gian nữa, lượng thịt nhập tràn về, không còn cách nào ngăn được, bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước”.
Về lượng thịt nhập khẩu tăng nhanh, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trung bình hằng năm, Việt Nam nhập khoảng 4.000 tấn thịt lợn, chủ yếu phục vụ các nhà hàng, cơ sở chế biến. Con số này không đáng kể.
Tiêu thụ tôn, thép sụt giảm mạnh
Theo congthuong.vn, do sức ép thị trường nên tháng 5/2019, sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ tăng trưởng thấp, thậm chí sản phẩm tôn còn giảm sâu. Cụ thể, tiêu thụ thép thô của các doanh nghiệp là thành viên của VSA đạt 1.390.041 tấn, tăng 4% so với tháng 4 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép thô tiêu thụ 6.354.277 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ.
Tính riêng thép xây dựng thì tiêu thụ trong tháng 5 chỉ đạt 916.519 tấn, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 4, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 lại giảm tới 12,4%. Theo dự báo, trong vòng 1 đến 2 tháng tới, bước vào mùa mưa nên sản lượng thép xây dựng tiêu thụ sẽ còn giảm tiếp.
Sản phẩm thép cuộn cán nóng đang là lợi thế rất lớn, sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng rất cao. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp trong nước gần như chưa sản xuất được và chủ yếu là Formosa sản xuất, cung cấp ra thị trường.
Thép cuộn cán nguội, tiêu thụ ì ạch, giảm rất nhiều. Đối với sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, tháng 5 giảm nhẹ 2,83% so với tháng 4 và giảm 18,6% so với cùng kỳ.
Sản phẩm ống thép hàn, những tháng trước đây tiêu thụ sụt giảm thì nay lại cân đối được sức bật tăng trưởng.
Mặc dù tiêu thụ tôn và thép xây dựng giảm mạnh - đây lại là 2 sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, song, hàng nhập khẩu lại gia tăng chóng mặt. Theo dự báo, thời gian tới sức bật trong tiêu thụ của ngành thép là hoàn toàn không thể, thậm chí khó khăn còn kéo dài cho các năm tới.
Những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Theo phapluatxahoi.vn, hiện Việt Nam có tới hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực ra các nước trên thế giới với nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Theo đó, những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm như: Cà phê, gạo, điều, rau quả…
Với tiềm năng của chúng ta hiện nay thì lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng đều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu; một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu thông qua thương hiệu nước ngoài...
Nhằm tháo gỡ khó khăn, các bộ, ngành đang tích cực xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản, qua đó nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với hàng hóa an toàn. Các tỉnh, thành phố cũng đang xây dựng những mặt hàng chủ lực, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
Giá cá nục, cá hố giảm mạnh
Theo nongnghiep.vn, cả ngư dân và chủ cơ sở cá hấp sấy khô xuất khẩu ở Quảng Trị đang điêu đứng vì cá nục, cá hố tươi đánh bắt về có giá quá thấp, còn sản phẩm cá khô xuất khẩu thì không bán được, chỉ 10 ngàn đồng/kg, có lúc chỉ 8 ngàn đồng/kg, do mặt hàng này đang tồn đọng quá nhiều nên giá bán vì thế giảm mạnh.
Từ trước đến nay tất cả các sản phẩm cá hấp sấy khô đều được bán cho các thương lái Trung Quốc xuất qua đường tiểu ngạch với giá cao, bây giờ chỉ còn 45 ngàn đồng mỗi kg, giá đã giảm mạnh mà cũng không thể bán được. Các thương lái Trung Quốc không mua hàng, yêu cầu chất lượng hàng cao hơn.
Khối lượng cá được các thương lái Trung Quốc thu mua thời gian qua của các cơ sở chế biến đang bị ứ đọng lại ở cửa khẩu Lạng Sơn, chưa xuất bán được vào thị trường Trung Quốc nên các thương lái không thu mua thêm sản phẩm cho ngư dân Quảng Trị, dẫn đến cả ngư dân, chủ cơ sở hấp sấy cá và tiểu thương điêu đứng.
Vải thiều Việt Nam đủ điều kiện xuất sang Hoa Kỳ và Trung Quốc
Theo itpc.hochiminhcity.gov.vn, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu cho 394 hộ kinh doanh vải thiều của Việt Nam với diện tích đất trồng 217,89 ha.
Trung Quốc cũng cấp 36 mã số cho các vùng trồng vải thiều Lục Ngân tại 30 xã và thị trấn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất, tiếp theo là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.
Nhiều nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP) mà không cần phân bón hóa học để tăng tốc độ chín và tăng trưởng của vải thiều. Kể từ Tết Đoan Ngọ (vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vải thiều Bắc Giang, Lục Ngạn đã tiếp tục giá bán cao ổn định tại thị trường TP.HCM.
Tại các ki-ốt trái cây của các chợ bán lẻ, giá vải thiều được vận chuyển bằng xe tải lạnh là từ 75.000 đến 85.000 đồng/kg (2,85-3,28 €/kg) trong khi giá của vải thiều vận chuyển bằng máy bay có giá ước khoảng 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg (4,56-5,70 €/kg). Đáng chú ý là mức tiêu thụ sản lượng vải thiều trong mùa thu hoạch đầu tiên không giảm dù giá bán cao.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet