Giá dầu Brent giảm 2,69 USD, tương đương 5,2% xuống thấp nhất 6 tháng ở 49,52 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/7.

Chốt phiên 3/8, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 9 của Mỹ (WTI) giảm 1,95 USD, tương đương 4,1% xuống 45,17 USD/thùng trên sàn Nymex.

Số liệu của chính phủ Mỹ ngày 31/7 cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đã lên kỷ lục trong tháng 3/2015 nhưng số giàn khoan dầu vẫn tăng trong tuần trước. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, các hãng khai thác mở thêm giàn khoan, theo Baker Hughes.

Trong bối cảnh, sản lượng dầu tại Mỹ lên cao kỷ lục, các nước sản xuất dầu khác cũng đua nhau sản xuất dầu nhiều hơn, chấp nhận hạ giá bán để cạnh tranh khách hàng trên toàn thế giới. Sản lượng dầu thô vẫn tăng mạnh chứng tỏ, giá dầu thấp không hề khiến các hãng khai thác hạn chế khoan dầu.

Ngày 3/8 mang đến một dấu hiệu tiêu cực hơn ở phía cầu với cảnh báo rằng, thế giới có thể sẽ không tiêu thụ hết số dầu thô tồn kho hiện có do tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Điển hình là Trung Quốc - một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đang khốn đốn do hoạt động sản xuất suy yếu với chỉ số PMI Caixin xuống thấp nhất 2 năm. Kinh tế Brazil, Ấn Độ và Nga cũng tăng trưởng chậm lại.

Khả năng giá dầu phục hồi trong những tháng cuối năm 2015 ngày càng thấp. Thậm chí, giá dầu có thể sẽ xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới, theo dự báo của chuyên gia David Hufton tại công ty môi giới dầu PVM.

Kể từ cuối tháng 6 đến nay, giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 24% và giá dầu Brent giảm gần 22%.

Ngoài ra, giá xăng và dầu diesel cũng giảm mạnh. Giá xăng giảm 5,5% xuống 1,6745 USD/gallon và giá dầu diesel giảm 3,7% xuống 1,5305 USD/gallon.

Nguyễn Dung

Theo WSJ