Theo số liệu từ Sở Công Thương Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 23.000 cơ sở CNNT, trong đó, trên 7.550 cơ sở hoạt động tại 50 làng nghề truyền thống. Sản xuất của khu vực kinh tế này phần lớn tổ chức theo loại hình cá thể, quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, đầu ra chủ yếu vẫn là trong nước.
Để hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển, từ năm 2012 - 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã thực hiện 86 chương trình, đề án với tổng kinh phí trên 11,442 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia thực hiện 18 đề án, khuyến công địa phương thực hiện 68 đề án.
Năm 2017, khuyến công Bình Định được giao thực hiện 24 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 3,62 tỷ đồng. Hiện một số đề án đã hoàn thành, nghiệm thu, bắt đầu phát huy hiệu quả. Tiêu biểu, Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến hạt điều" tại Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Việt Hưng đã được nghiệm thu đầu tháng 5. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 1,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng cho hạng mục đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, công tác khuyến công của tỉnh còn hạn chế, chưa hấp dẫn, thu hút được đối tượng thụ hưởng do các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nổi cộm là vấn đề nguồn vốn hỗ trợ. Nguồn kinh phí khuyến công chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia nên kinh phí chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Mức hỗ trợ thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở và khi xem xét hỗ trợ lại thấp hơn so với quy định, nhất là các đề án trong nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… nên khó vận động doanh nghiệp tham gia. Nội dung hỗ trợ nhiều khiến kinh phí sử dụng dàn trải, chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm. Cùng đó, một số đơn vị thụ hưởng có quy mô nhỏ lẻ, gặp khó khăn về tài chính nên không đảm bảo tiến độ triển khai đề án. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và kinh nghiệm; chưa có đội ngũ "chân rết"…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đại diện Sở Công Thương Bình Định đề nghị: Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) hàng năm sớm có văn bản định hướng, hướng dẫn hoạt động khuyến công, trọng tâm ngay từ đầu năm (hiện là vào tháng 6); tiếp tục rút ngắn thời gian tiến tới ký kết hợp đồng thực hiện khi có quyết định giao kế hoạch kinh phí (hiện là 4 tháng), tạo điều kiện để cơ sở sớm triển khai thực hiện đề án. Đề nghị tăng kinh phí khuyến công quốc gia nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, với các đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên, thuộc ngành nghề ưu tiên tăng mức hỗ trợ lên 1,5 lần so với hiện nay…

Bình Định có 7/9 huyện miền núi, thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, do đó việc tăng mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công quốc gia sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương này phát triển.

 Nguồn: Lan Ngọc/Báo Công Thương điện tử