Với môi trường chính trị ổn định, giá lao động vừa phải và một chuỗi cung khá ăn nhập với chiến lược của Trung Quốc có tên là Trung Quốc +1 (China Plus One), Việt Nam đã nổi lên là nước được thụ hưởng nhiều nhất khi đầu tư gia tăng đổ vào Đông Nam Á.
Đáng ghi nhận là mức tăng đầu tư vào khoa học công nghệ trong tháng Giêng năm nay cho thấy Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực khi nước này đã tìm kiếm nguồn đầu tư có nhiều giá trị gia tăng vào các ngành công nghệ cao, điện tử, và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phải tích cực nâng cấp các ngành công nghiệp phụ trợ và nhân lực để có thể giữ được lợi thế của mình.
Tương tự như vậy, đối với Malaysia, chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thích nghi tốt cũng đang khiến nước này có nhiều lợi thế để gặt hái lợi ích do các công ty sản xuất điện tử và máy móc chuyển từ Trung Quốc sang trong mấy tháng tới, đồng thời nước này cũng đang cố đẩy nhanh quá trình nâng cấp chuỗi giá trị công nghiệp của mình vốn đã bị trì hoãn từ lâu.
Tuy vậy, cả Việt Nam và Malaysia đều dễ bị ảnh hưởng do những rủi ro tiềm ẩn từ chính cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn, do tính thanh khoản toàn cầu kém và do các yếu tố bất ổn bên ngoài khác bởi vì cả hai nước đều phụ thuộc vào thương mại, đặc biệt là với Việt Nam.
Thái Lan, Indonesia, và Philippines đều thu hút được nhiều hơn đầu tư vào các ngành sản xuất của họ trong vòng 2 năm qua nhưng những bất ổn về chính trị cũng có thể làm mất đi đà phát triển chỉ trong thời gian ngắn.
Tại Thái Lan, quá trình khởi động bầu cử lại lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã cho thấy, một mặt, là sự chia rẽ sâu sắc giữa Hoàng gia và quân đội và một mặt là sự chia rẽ giữa Hoàng gia và phe đối lập đang được ủng hộ.
Trong khi Thái Lan đã giải quyết được những sóng gió chính trị trước đó và vẫn duy trì được vị thế là trung tâm sản xuất hàng điện tử và linh kiện ô tô của khu vực châu Á thì chính phủ nước này cần phải tránh làm giảm niềm tin của giới kinh doanh khi mà cuộc cạnh tranh của các nước láng giềng đang bước vào hồi quyết liệt.
Đối với Indonesia nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn khi mà nước này sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử tháng Tư tới trong bối cảnh đầu tư giảm, ngành xuất khẩu gặp khó và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng.
Ứng viên Tổng thống Prabowo Subianto đã chỉ trích những cải tổ theo hướng thân thiện với các nhà đầu tư của Tổng thống Joko Widodo và ông thiên về hướng muốn hợp tác phát triển thương mại và hạ tầng chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trong một cuộc cạnh tranh nghẹt thở như thế này thì chắc chắn Indonesia cũng sẽ gặp nhiều khó khăn đối phó với các biến động từ bên ngoài.
Mặc dù Đông Nam Á đang giành được nhiều thiện cảm của các nhà đầu tư, song tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc trên toàn cầu giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết các nền kinh tế châu Á. Trừ Việt Nam, nước công bố tăng trưởng GDP đạt 7,08% năm 2018, hầu hết các nền kinh tế lớn và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Thái Lan hay Malaysia đều công bố tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với một năm trước đó.
Ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt ở những nền kinh tế có các chuỗi cung tích hợp liên hoàn như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia. Cùng với Trung Quốc bị giảm lượng xuất khẩu trong tháng 12 vừa qua, các nền kinh tế mới nổi như Philippines, Thái Lan và Indonesia cũng bị giảm xuất khẩu lần lượt 12,8%, 1,7% và 4,6 %. Chính Việt Nam cũng công bố xuất khẩu tháng 1/2019 giảm 1,2%.
Nếu không có giải pháp tích cực đối với cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì hàng hóa Trung Quốc, với tình hình xuất khẩu giảm sút và tình hình kinh doanh hàng điện tử trong nước cũng đang đi xuống, (mà phần này chiếm tới 25% toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của cả khu vực) sẽ tiếp tục là gánh nặng đè lên vai các nền kinh tế Đông Nam Á.
Nguồn: TTXVN