Các nhà khoan dầu đã cắt giảm 19 giàn khoan trong tuần tính tới ngày 20/3, giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2019, đưa tổng số giàn khoan giảm xuống 664 giàn, thấp nhất kể từ tháng 1/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Số giàn khoan dầu một chỉ số sớm của sản lượng tương lai đã giảm 19% so với cùng tuần một năm trước khi có 824 giàn khoan hoạt động. Hơn một nửa tổng số giàn khoan dầu của Mỹ nằm tại lưu vực Permian thuộc Tây Texas và đông New Mexico, nơi các đơn vị hoạt động tại đó đã giảm 13 giàn khoan trong tuần này xuống 405 giàn, thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Đây là tuần sụt giảm nhiều nhất kể từ tháng 1/2016.
Giá dầu Mỹ kỳ hạn đã giao dịch dưới 25 USD/thùng trong phiên cuối tuần, khiến hợp đồng này có tuần giảm giá theo phần trăm mạnh nhất kể từ năm 1991, do sự lây lan của virus corona làm giảm nhu cầu, đồng thời Moscow bác bỏ sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến giá với Saudi Arabia.
Các nhà phân tích ước tính số giàn khoan của Mỹ sẽ giảm hàng trăm giàm trong những tháng tới.
James Wlliams thuộc WTRG Economics, Arkansas cho biết “ảnh hưởng của giá dầu giảm sẽ bắt đầu tăng cường trong cuối tháng này hoặc tháng tới”. “Hoạt động khoan sẽ bắt đầu sụt giảm với mức độ chậm hơn thường 3 – 4 tháng sau giá dầu”.
Với các công ty dự định giảm chi tiêu cho việc khoan mới, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm xuống 12,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021 từ mức kỷ lục dự kiến 13 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Sự sụt giảm trong năm 2021 sẽ là năm sản lượng của Mỹ sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2016.
Thậm chí trước khi giá dầu sụt giảm mạnh, hầu hết các công ty thăm dò và sản xuất của Mỹ (E&P) đã sẵn sàng thông báo kế hoạch giảm chi tiêu cho việc khoan mới năm thứ 2 liên tiếp trong năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty E&P ở Bắc Mỹ cho biết họ dự định giảm chi tiêu nhiều hơn trong năm nay, trung bình khoảng 30%, theo số liệu của Reuters.
Trong khi đó 2 nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Texas đang yêu cầu nhà điều hành chính phủ xem xét hạn chế số lượng công ty dầu có thể sản xuất, trong một động thái ngăn cản giá sụt giảm mạnh như đã diễn ra trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
Công ty dịch vụ tài chính của Mỹ Cowen & Co cho biết 25 trong số các công ty E&P độc lập họ theo dõi đã giảm kết hoạch chi tiêu 36% trong năm nay so với năm trước, kể từ khi các nhà sản xuất OPEC+ thất bại trong thỏa thuận giảm sản lượng vào ngày 6/3/2020.
Trước khi thỏa thuận của OPEC+ thất bại, Cowen cho biết các công ty E&P độc lập chỉ dự kiến cắt giảm chi tiêu trung bình 11% trong năm 2020 so với năm trước. Trong năm 2019, các công ty này cắt giảm chi tiêu khoảng 10% so với năm 2018.
 

Nguồn: VITIC/Reuters