Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 8/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mạnh giá xăng dầu. Theo đó, từ 15h ngày 8/5, xăng E5 RON92 tăng 508 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 411 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 373 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 336 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 399 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá như sau: Xăng E5 RON92 không cao hơn 19.440 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 20.911 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.107 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.917 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.759 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá xăng tăng là thời gian gần đây, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Giá thành phẩm thế giới xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5RON92) ngày 7/5/2018 đứng mức 81,89 USD/thùng, là mức cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 8/5/2018 là 80,801 USD/thùng xăng RON92 là xăng nền để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 2,821 USD/thùng); 83,432 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,254 USD/thùng),...
Giá ethanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 cũng tăng thêm khoảng 500 đồng, lên 14.916 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).

Tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao, từ 200-958 đồng/lít.
Theo văn bản số 3585/BCT-TTTN ngày 08.5.2018 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:

 

Trên thế giới, mặc dù quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần, song xu hướng tăng giá trong nhiều phiên giao dịch của tuần qua đã giúp thị trường dầu mỏ ghi nhận tuần đi lên thứ hai liên tiếp.
Đầu tuần (ngày 7/5) đánh dấu phiên đi lên thứ tư liên tiếp của giá dầu, chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, giá dầu đảo chiều hạ giá sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 8/5 (giờ địa phương), một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã được ký kết vào năm 2015. Xu hướng đi xuống này nhanh chóng chấm dứt trong phiên giao dịch liền sau đó, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 2,2 triệu thùng xuống 433,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/5.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã giúp thị trường dầu mỏ hưởng lợi, khi tâm lý lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu bị thu hẹp đã đẩy giá dầu đi lên. Ngoài ra, thị trường cũng lo ngại về sản lượng khai thác dầu thô của Venezuela tiếp tục giảm, do khủng hoảng kinh tế kéo dài tại quốc gia Nam Mỹ này.
Sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela đã giảm một nửa kể từ đầu những năm 2000 xuống còn 1,5 triệu thùng mỗi ngày, do không đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư để giữ sản lượng khai thác “vàng đen” và duy trì những nhà máy lọc dầu. Dù vậy, quan ngại về nguồn cung đã được xoa dịu phần nào khi EIA đã nâng dự báo sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong năm sau có thể đạt 12 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ đưa Mỹ trở thành nước khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, vượt lên Nga và Saudi Arabia.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên cuối tuần ngày 11/5, rút khỏi mức cao nhất ba năm rưỡi qua vừa xác lập ở những phiên trước, chủ yếu do sự không chắc chắn về lượng dầu mà thị trường dầu toàn cầu sẽ mất sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ. Nhiều đồng minh của Mỹ vẫn duy trì thỏa thuận từ năm 2015 này, vì thế xuất khẩu dầu của Iran có thể sẽ ít bị biến động trên thị trường toàn cầu.
Cuối phiên, tại thị trường New york, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2018 giảm 66 xu Mỹ (0,9%), xuống 70,70 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 vào phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu này tăng 1,4%. Trong khi đó, tại phiên 11/5, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 7/2018 cũng mất 35 xu Mỹ (gần 0,5%), xuống 77,12 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng 3%.
Đà tăng giá trong tuần của các hợp đồng dầu thô kỳ hạn khiến thị trường dự báo rằng giá dầu Brent có thể một lần nữa đạt ngưỡng 100 USD/thùng.
Báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ trong tuần này đã tăng thêm 10 giàn, lên 844 chiếc, đánh dấu tuần tăng thứ sáu liên tiếp.

Nguồn: VITIC/TTXVN, Petrolimex

Nguồn: vinanet