Vào lúc 16h08 ngày 27/8, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Tokyo (TOCOM) tăng 1,1 yên lên 171,9 yên/kg từ mức chốt phiên 24/8 là 170,8 yên/kg. Trong phiên trước đó, giá cao su Tocom đã tăng 1,9 yên/kg.

Ngoài ra, một số thị trường cao su lớn khác tại châu Á cũng ghi nhận giá phục hồi. Giá cao su RSS4 của Ấn Độ tăng 0,26 USD lên 169,55 USD/kg. Giá cao su RSS3 giao tháng 1/2016 tại Thái Lan tăng 1,65 baht lên 51,75 baht/kg.

Việc Trung Quốc đồng hạ lãi suất, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm thêm tiền vào nền kinh tế đã thúc đẩy lực mua trên các thị trường tài chính và hàng hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi giá trên thị trường cao su vẫn bị hạn chế trước những lo ngại về tính hiệu quả của động thái hạ lãi suất.

Gần đây, nhu cầu tại hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất khu vực châu Á đều giảm mạnh, đặc biệt là Trung Quốc do kinh tế suy yếu và thị trường tài chính khủng hoảng. Tại Ấn Độ, nhập khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 7 giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 36.828 tấn.

Nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung vẫn dồi dào là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cao su liên tục giảm trong thời gian gần đây.

Trong dài hạn, cao su được dự báo tiếp tục tăng giá do sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2015 có thể giảm mạnh vì tình trạng hạn hán kéo dài, theo Hiệp hội cao su quốc tế. Tính đến ngày 10/8, tồn kho cao su thô tại các cảng ở Nhật Bản là 13.689 tấn, giảm 1,8% so với hồi cuối tháng 7, Hiệp hội thương mại cao su Nhật Bản cho biết.

Nguyễn Dung