Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu những nét chính trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị:
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
1. Năm 2020 là năm với nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, hiện vẫn đang tiếp tục lây lan ở nhiều nơi. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó dịch tả lợn Châu Phi, thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền Trung làm cho khó khăn chồng chất khó khăn.
- Trong bối cảnh đó, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên, nhờ đó chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thành công chung của đất nước ta trong 5 năm và cả nhiệm kỳ có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Công Thương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiêp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu.
- Hôm nay, trong không khí phấn khởi những ngày đầu năm mới 2021, thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công Thương. Thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tôi thân ái gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
- Về các kết quả đạt được, những tồn tại và hạn chế của ngành Công Thương trong năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016-2020, chúng ta nghe đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo rất đầy đủ và qua một số tham luận đánh giá bổ sung thêm. Tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của các đồng chí, trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi xin đi thẳng vào một số vấn đề sau đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
2. Trước hết, tôi vắn tắt đôi nét về kinh tế xã hội nước ta năm 2020
Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã thực hiện thành công ”mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid 19 và duy trì tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, theo IMF năm 2020 Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015.
Trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm, nhu cầu chi tăng mạnh, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức dưới 4%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục, trên 544 tỉ đô la Mỹ; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu trên 19,1 tỉ đô la Mỹ, dự trữ ngoại hối tăng cao. Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019; tuy có tăng trong năm 2020 do nhu cầu chi tăng để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn ở mức 56,8%, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.
Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"
Kết quả trên tạo đà và động lực mới, khí thế mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2021, năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.

3. Các kết quả nổi bật ngành Công Thương đạt được năm 2020
Một là, công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt đạt hiệu quả. Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điều hành (Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị Quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi NQ 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19,...). Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid 19.
Công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm 880 điều kiện đầu tư kinh doanh. Việc thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính của Bộ và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện tốt, đến nay tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên. Cổng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp 206 dịch vụ công mức độ 3 và 62 dịch vụ công ở mức độ 4. Đã có gần 35.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương.
Hai là, về sản xuất công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm ước tăng 3,36%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,86%) nhưng vẫn tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7,0%/năm.
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 5,82%, các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày... là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.
Về phát triển CNHT, bộ đã triển khai có hiệu quả chương trình CNHT, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp CNHT nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúc đẩy liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản; bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa (Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp; Đến nay cũng có thêm 03 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota. Đồng thời, đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia).
- Ngành Điện đã cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, cho người dân và doanh nghiệp, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng và đạt kết quả rất tốt, đến nay 100% số xã và 99,3% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của đất nước.
- Ngành Dầu Khí hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng khai thác quy dầu dự kiến cả năm đạt 20,5 triệu tấn, vượt 0,7% kế hoạch năm. Năm 2020 đã hoàn thành, đưa cụm công trình Dự án Phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt bằng Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (có dòng khí đầu tiên vào ngày 16/11/2020); sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
- Ngành Than cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra.
Ba là, xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, , hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thủ tướng rất vui khi nghe trong điều kiện khó khăn trong năm 2020, chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)...
Tận dụng có hiệu quả hơn các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dựa trên Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực. Sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo… Kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng tốt, năm 2020, xuất khẩu sang Canada tăng 11,9%, sang Mexico tăng 12,2%...
Bốn là, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường, nhất là khi nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cả nước tập trung chống dịch thực hiện giãn cách xã hội, đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
- Tổ chức hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa với việc tổ chức tháng khuyến mãi, đưa hàng Việt tới vùng nông thôn, các khu công nghiệp…; kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đã đẩy sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
- Thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ,.. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 tăng 2,62% so với năm 2019, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng khoảng 6,8%.
Năm là, công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa (C/O), ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh; giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hàng loạt các vụ vi phạm trên môi trường Internet.
- Năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm soát tốt thị trường thời kỳ dịch bệnh và đã triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn, xử lý nghiêm theo quy định của phát luật (điển hình là việc tổ chức tấn công, triệt phá các đường dây, ổ nhóm lớn, nổi cộm đã được ghi nhận, đánh giá cao như xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế không hoá đơn chứng từ tại Quảng Bình, tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội, phát phối hợp Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh thu giữ 36 nghìn viên hồng phiến và 04 kg ma tuý tổng hợp… )
- Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lực lượng QLTT xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý xuất xứ, bảo vệ các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường phối hợp để cảnh báo, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Sáu là, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay Việt Nam đã ký kết 15 FTA, năm 2020 có 02 Hiệp định quan trọng được ký kết và đưa vào thực thi là Hiệp định EVFTA và RCEP, chúng ta cũng hoàn tất đàm phán và chính thức ký kết Hiệp định UKVFTA vào ngày 29/12/2020, đưa Hiệp định vào thực thi trong năm 2021.
- Với các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
- Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công Thương đã chủ trì, đề xuất, xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. Các sáng kiến này giúp tăng cường tính liên kết trong nội khối, tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực theo hướng bền vững.
- Tăng cường công tác phân tích, đánh giá, dự báo động thái chính sách của của các nước, nhất là các đối tác thương mại lớn, cảnh báo kịp thời các rủi ro trong hoạt động kinh tế đối ngoại, có giải pháp ứng phó phù hợp, bảo đảm thị trường xuất khẩu và lợi ích quốc gia, đặc biệt là xử lý các vấn đề phát sinh từ việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.
Bảy là, công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.
- Công tác phòng vệ thương mại đã được thực hiện đồng bộ, toàn diện, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, ban hành các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
- Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.
- Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…; theo dõi, nắm thông tin, có giải pháp phù hợp trong việc giải trình các cuộc điều tra chống bán phá giá, phòng vệ thương mại của các nước; điều tra của Mỹ về cáo buộc phá giá đồng tiền và nguồn gốc gỗ,.. (theo Quyết định số 301/QĐ-TTg).
Theo chương trình, tối nay (22:00 ngày 7/1) Bộ trưởng Tuấn Anh sẽ điện đàm với ông Lighthizer (Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ- USTR), Đ/n BT khẳng định rõ với ông Trưởng USTR:
- CP Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
- Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững.
- Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại
- Đ/n USTR cần khách quan khi tiến hành điều tra, vì lợi ích của 2 quốc gia và doanh nghiệp của cả 2 nước. Có rất nhiều DN Hoa Kỳ đang phản đối việc điều tra, họ đã gửi thư cho các Bộ/Ngành Hoa kỳ, tham gia điều trần để phản đối – báo trí đã nêu.
Tám là, chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại thị trường trong nước và nước ngoài trên các nền tảng công nghệ thông tin và kĩ thuật số
Trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid19, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong xúc tiến thương mại, tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hội chợ Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến.
Hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí mà vẫn duy trì và phát triển quan hệ với đối tác nước ngoài và hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời, qua đó góp phần vào thành tích xuất khẩu của cả nước năm 2020. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình Thương hiệu quốc gia, góp phần tích cực nâng giá trị thương hiệu quốc gia, năm 2020 Việt Nam có tốc độ tăng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, xếp thứ 33/100. Bộ Công Thương cần phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt một chiến lược quốc gia về thương hiệu, qua đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành.
Chín là, thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng
Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.
Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2020. Các đồng chí đã làm được rất nhiều việc, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
4. Về những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua
Tôi hoan nghênh Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 để có các biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Tôi lưu ý ngành Công Thương tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề sau:
Một là, ngành công nghiệp phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt;
- Tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn chậm.
- Việc lập và thực hiện quy hoạch điện còn nhiều bất cập; nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.
Hai là, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
- Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
- Công nghiệp hỗ trợ có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các chỉ tiêu về nội địa hóa.
- Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba là, xuất khẩu vẫn dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Bốn là, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, nhất là trên môi trường internet vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng mà tác động xấu tới tiến trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Hệ thống hạ tầng thương mại, bao gồm cả hạ tầng cho thương mại điện tử chưa phát triển đồng bộ, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Năm là, công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao. Nhiều cam kết hội nhập nhằm tạo cơ hội và tiền đề cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường cho doanh nghiệp trong nước chưa được tận dụng có hiệu quả.
5. Về các vấn đề Bộ Công Thương cần lưu ý trong thời gian tới
Năm 2021 là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường: đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống dần thu hẹp đòi hỏi phát huy, lan tỏa rộng rãi tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động thực chất từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với ngành Công Thương. Tôi đề nghị Bộ Công Thương cần tập trung 03 điểm chính để tập trung thực hiện nhằm đạt được kết quả tốt hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Một là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý hàng loạt vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Những khó khăn, thách thức, hay nói cách khác là những điểm yếu căn bản kéo dài trong phát triển của ngành như năng suất lao động thấp, qui mô doanh nghiệp nhỏ, tiêu hao năng lượng và sử dụng tài nguyên nhiều, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm không cao, tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực diễn ra chậm... nếu tận dụng tốt các cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là chìa khóa, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế nước ta thời gian tới.
Hai là, xu hướng hợp tác và hội nhập của thế giới đã có những thay đổi khá căn bản và diễn ra ngày càng nhanh chóng. Chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại một cách khá rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi nhanh chóng cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, phân bố lại các trung tâm sản xuất toàn cầu, dịch chuyển của các dòng đầu tư và thương mại quốc tế... Điều này đặt ra cho ngành Công Thương những yêu cầu về phản ứng chính sách không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả việc xem xét để điều chỉnh mang tính chiến lược trong dài hạn. Đây là những bài toán lớn, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ mới đạt được mục tiêu phát triển của ngành.
Ba là, tình hình trong nước cũng đang đặt ra cho ngành Công Thương những yêu cầu lớn và cấp bách, đòi hỏi phải được giải quyết một cách căn bản mới có thể bảo đảm cho những bước phát triển bền vững tiếp theo, đó là:
- Cùng với quá trình mở cửa tự do hóa nền kinh tế, nước ta đã trở thành một trong 10 quốc gia có độ mở cửa lớn nhất thế giới (tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP năm 2019 đạt 197,4%) đã dẫn đến mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào bên ngoài không chỉ về thị trường xuất nhập khẩu, đặt biệt là một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà còn là sự phụ thuộc vào công nghệ, nguyên liệu đầu vào cho phát triển các ngành sản xuất (tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu chiếm xấp xỉ 90% tổng kim ngạch nhập khẩu). Các ngành công nghiệp lớn, có đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu mới tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng thấp. Việc ứng phó với sự gia tăng các các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, các sự cố môi trường trong sản xuất công nghiệp là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành Công Thương và tính tự chủ của nền kinh tế nước ta.
- Vấn đề phát huy nội lực của nền kinh tế với thị trường trên 90 triệu dân, thu nhập và tiêu dùng trong giai đoạn tăng nhanh... Khai thác tốt thị trường trong nước sẽ tạo được nền phát triển bền vững cho ngành Công Thương và nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm. Hạ tầng thương mại xét về tổng thể vẫn còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến lưu thông hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
- Cạnh tranh trong ngành bán buôn, bán lẻ ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối trong khi năng lực cạnh tranh còn thấp.
- Công tác quản lý thị trường, đặc biệt quản lý hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng đa cấp... chưa đáp ứng được yêu cầu. Các biện pháp quản lý thị trường thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả, gây bất lợi cho các chủ thể khác tham gia thị trường và bất lợi cho người tiêu dùng.
Từ đó những định hướng mà ngành Công Thương cần tập trung là:
(1) Ngành Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
(2) Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh
(3) Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
(4) Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
(5) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
6. Về các mục tiêu, nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2021
Tôi cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mà các đồng chí đã đề ra cho năm 2021. Mục tiêu cho năm 2021 là tiếp tục phấn đấu đạt kết quả “mọi mặt phải tốt hơn năm 2020”. Tổ chức thực hiện tốt phương châm “đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ ngành Công Thương, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước. Tôi nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2020 như sau:
Một là, bám sát những nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, định hướng đến năm 2022. Cần được coi đây là trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm 2021.
Hai là, tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn.
Ba là, tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó lấy trọng tâm là tổ chức triển khai khẩn trương và thực chất Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Chương trình hành động chung của Chính phủ đã được chính thức ban hành tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020, tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình tái cơ cấu và phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Bốn là, tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm vững chắc nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, không để xảy ra thiếu điện trong mọi trường hợp. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Bộ Công Thương triển khai thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2020; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia… đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với mục tiêu đạt hiệu quả chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Năm là, tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 13 FTA đã chính thức đi vào thực thi (mới đây chúng ta cũng đã vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh). Để khai thác tốt lợi ích mà các FTA mang lại cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với WTO và ASEAN.
Sáu là, đổi mới tư duy và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Thực hiện tốt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.
Bảy là, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách. Cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cho quá trình hội nhập hiệu quả và bền vững hơn.
Tám là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Chín là, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị.
Mười là, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành Công Thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
Thưa các đồng chí,
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2021 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp năm mới 2021 và chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, tôi chúc quý vị đại biểu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cám ơn./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương