CAD (Cash Against Documents) là phương thức thanh toán phổ biến hiện nay trong các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Theo phương thức này, bên nhập khẩu trả trước cho bên xuất khẩu một số tiền (10-30% trị giá hợp đồng). Bên xuất khẩu sau khi giao hàng xong sẽ gửi bộ chứng từ giao hàng cho ngân hàng của bênnhập khẩu. Bên nhập khẩu thanh toán nốt số tiền còn lại cho ngân hàng để được nhận bộ chứng từ giao hàng. Trong một số trường hợp, khi bên nhập khẩu không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, bên xuất khẩu sẽ yêu cầu ngân hàng của bên nhập khẩu trả lại bộ chứng từ giao hàng để tìm cách bán lô hàng cho đơn vị nhập khẩu khác hoặc yêu cầu hãng tầu tái xuất lô hàng đi nước khác hoặc đưa trở lại Việt Nam. Bên xuất khẩu sẽ dùng số tiền bên nhập khẩu đã trả để trang trải các chi phí liên quan đến việc giải quyết lô hàng. Tuy nhiên tại Pa-ki-xtan, một số đối tượng xấu giả danh làm bên nhập khẩu đã tìm cách vô hiệu hoá phương thức này: khi bên nhập khẩu không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, bên xuất khẩu không thể bán lô hàng cho đơn vị nhập khẩu khác và cũng không thể tái xuất lô hàng ra khỏi Pa-ki-xtan. Kết cục thường là bên xuất khẩu mất trắng lô hàng.
Công ty G. (TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng xuất khẩu 1 container hạt tiêu cho công ty Trade Corporation Services (Pa-ki-xtan). Trong khi giá hạt tiêu trên thị trường là khoảng 3.500 USD/tấn thì vị khách Pa-ki-xtan này đồng ý mua với giá 4.600 USD/tấn. Công ty G. lập tức tiến hành giao hàng và gửi bộ chứng từ giao hàng cho ngân hàng Pa-ki-xtan. Sau đó công ty G. nhận được giấy báo chuyển tiền của ngân hàng. Tuy nhiên công ty G. đã cảnh giác và tiến hành thẩm tra giấy báo chuyển tiền với sự giúp đỡ của các chuyên viên ngân hàng và phát hiện ra giấy báo chuyển tiền là giả mạo. Cuộc "đấu khẩu" giữa hai bên diễn ra, và bên nhập khẩu lộ nguyên hình là đối tượng lừa đảo. Đối tượng này thẳng thừng tuyên bố là công ty G. sẽ mất lô hàng vì sẽ không thể bán lô hàng cho khách hàng khác và cũng không thể tái xuất lô hàng ra khỏi Pa-ki-xtan.
Với kinh nghiệm nhiều năm buôn bán quốc tế với nhiều nước thuộc thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, công ty G. không tin lời đe doạ của vị khách hàng lừa đảo và tìm cách bán lô hàng cho một khách hàng khác. Sau khi gặp một số khó khăn trong việc bán lô hàng tại Pa-ki-xtan, công ty quyết định tái xuất lô hàng trở lại Việt Nam. Sau gần hai tháng cố gắng, sử dụng mọi phương cách, công ty G. vẫn không thể tái xuất lô hàng về Việt Nam. Rất may là với sự giúp đõ của một khách hàng lớn của Pa-ki-xtan, công ty G. đã tránh được kết cục mất trắng lô hàng.
Tại sao đối tượng xấu lại có thể cản trở việc tái xuất lô hàng mặc dù có sự can thiệp kịp thời và theo đúng luật pháp quốc tế? Hãng tầu, với tư cách là người chuyên chở, có trách nhiệm vận chuyển và giao hàng theo sự chỉ đạo của chủ hàng. Theo yêu cầu của công ty G. Thương vụ đã gặp đại diện hãng tầu tại Pa-ki-xtan và cảnh báo hãng tầu về những diễn biến phức tạp có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng hãng tầu đã không thực hiện được việc tái xuất lô hàng. Thương vụ cũng đã gửi công văn và trực tiếp gặp Hải quan cảng Ka-ra-chi, Tổng cục Thuế (cơ quan cấp trên của Hải quan Pa-ki-xtan), Bộ Thương mại Pa-ki-xtan, Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan nhưng cũng không thực hiện được việc tái xuất lô hàng.
Sự thật là: vị khách hàng lừa đảo đã lợi dụng một quy định của Hải quan Pa-ki-xtan nhằm đối phó với hành vi trốn thuế nhập khẩu của một số doanh nghiệp Pa-ki-xtan. Quy định đó là: hàng nhập khẩu một khi đã mở tờ khai hàng nhập khẩu (G.D.: Goods Declaration) thì không được phép tái xuất ra khỏi Pa-ki-xtan.
Vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu sang Pa-ki-xtan cần thận trọng. Khi giao hàng nên thuê các hãng vận tải lớn, có uy tín và trong hợp đồng thuê tầu có điều khoản ràng buộc trách nhiệm hãng tầu đối với việc tái xuất lô hàng. Trong trường hợp gặp khó khăn cần thông báo ngay cho Thương vụ Việt Nam tại Pa-ki-xtan (E-mail: pk@moit.gov.vn) để phối hợp giải quyết.
 (Bộ Công Thương)

Nguồn: Vinanet