Khu công nghiệp sinh thái là mô hình đã được nghiên cứu từ đầu thập niên 90 và phát triển mạnh mẽ tại các nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và sau này là các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

4 yếu tố then chốt

Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam thì hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu – Trưởng khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Văn Lang, TP HCM) cho rằng: Để phát triển theo định hướng khu công nghiệp sinh thái các khu công nghiệp cần phải xem xét đến 4 yếu tố chính: Thứ nhất, thiết kế thân thiện môi trường, chú trọng đến không gian bên ngoài, nhà xưởng, phòng làm việc và bảo đảm mạng lưới không gian xanh trong phạm vi từng cơ sở sản xuất và trong khu công nghiệp; Thứ hai, quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế hệ thống sử dụng năng lượng, tài nguyên, hệ thống tái sử dụng và tái chế chất thải; Thứ ba, xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua hoạt động chia sẻ tài nguyên và thông tin; Thứ tư, hình thành những nét đặc trưng của khu công nghiệp với các dịch vụ phục vụ chung cho khu công nghiệp và khu dân cư lân cận.

Nhân rộng mô hình

Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái, nhiều ý kiến cho rằng phải tập trung vào việc xây dựng và chuyển đổi nhận thức của chính DN trong khu công nghiệp về bảo vệ môi trường. Theo đó các DN cần tiến hành xây dựng TCVN ISO 14000 về bảo vệ môi trường tạo ra ý thức cho mọi người, đối với lãnh đạo phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch… Còn đối với các địa phương khi thành lập các khu, cụm công nghiệp mới cần phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, đảm bảo tiêu chí của một khu công nghiệp sinh thái.

Đồng quan điểm trên, TS.Heinz Leuenberger – Cố vấn kỹ thuật trưởng dự án khu công nghiệp sinh thái cho rằng: “Chính phủ cần đưa ra chính sách khuyến mãi song hành với thể chế quản lý tốt môi trường đầu tư. Đặc biệt, từng DN phải hướng đến công nghệ xanh, kiểm soát nghiêm ngặt tác động môi trường”.

Bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành Amata Việt Nam: Chi phí đầu tư sẽ tăng cao

amata-copyAmata đang theo đuổi phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam và cũng là xu thế chung của cả thế giới. Thậm chí, khi đề xuất phát triển dự án tại Quảng Ninh, Amata còn đề nghị chính quyền địa phương di dời hai cảng than và cũng yêu cầu nhà máy nhiệt điện Uông Bí nâng cấp công nghệ để đảm bảo dự án của Amata không bị ô nhiễm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, để đầu tư KCN sinh thái các DN phải chấp nhận chi phí đầu tư tăng cao do phải bỏ vốn xây dựng hạ tầng. Trong thời gian tới chúng ta cần nhân rộng, khuyến khích nhiều công ty tham gia vào sản xuất sạch hơn, thành lập nên sự cộng sinh hiệu quả giữa các Cty trong khu công nghiệp và các hộ dân sinh gần khu công nghiệp, chuyển đổi hiệu quả cho địa phương và từng quốc gia, học tập kinh nghiệm của các nước để áp dụng hiệu quả cho Việt Nam.

 Nguồn:  Linh Vân/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử