Xuất khẩu gạo khó khăn do Trung Quốc giảm nhập
Theo thuongtruong.com.vn, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, trong đó có Trung Quốc - quốc gia có lượng nhập khẩu gạo lớn, nguồn cung lúa, gạo trên thế giới được dự báo là sẽ tăng do sản lượng của các nước sản xuất lớn tăng như: Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Thái Lan tăng 138 ngàn tấn, Campuchia tăng 79 ngàn tấn…Những nguyên nhân này khiến cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên “ảm đạm”.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang 3 thị trường Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đạt 1,44 triệu tấn thì trong 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 239 ngàn tấn, giảm hơn 85%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%. Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Phi ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Trong 5 tháng đầu năm, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 38,6% trong tổng xuất khẩu cả nước, đạt 1,06 triệu tấn, tăng 296,6% so với cùng kỳ năm 2018 và trị giá 423,3 triệu USD, tăng 239,5%. Thị trường Châu Phi cũng nhập khẩu gạo với sự tăng trưởng mạnh, điển hình như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, xuất khẩu gạo trắng các loại chiếm khoảng 56,7% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, gạo IR50404 là 35%. Xếp thứ hai là gạo thơm, chiếm 28,6% tổng lượng gạo xuất khẩu. Xếp thứ ba là gạo nếp, chiếm khoảng 5% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Hà Nội: Tiêu hủy gần 1/4 tổng đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi
Thuongtruong.com.vn đưa tin, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ngày 27/6, bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại 225 hộ chăn nuôi thuộc 17 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 4.169 con lợn. Lũy kế đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 25.977 hộ chăn nuôi (chiếm 32,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi lợn) ở 2.263 thôn, tổ dân phố của 445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 446.762 con lợn (chiếm 23,8% tổng đàn lợn). Tổng số lợn nái mắc bệnh, tiêu hủy là 56.986 con, chiếm 13 % tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy.
Theo tính toán, tổng số hộ phải tiêu hủy từ 200 con lợn trở lên là 107 hộ. Trong đó: Số hộ từ 200 con đến dưới 1.000 con là 102 hộ với tổng số lợn phải tiêu hủy tại các hộ này là 45.429 con, số hộ tiêu hủy từ 1.000 con trở lên là 5 hộ với tổng số lợn phải tiêu hủy tại các hộ này là 12.178 con.
Bên cạnh đó, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Xử lý nghiêm các trường họp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của Trung ương và thành phố hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ hợp pháp sang Mỹ
Thông tin từ thuongtruong.com.vn, năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Mỹ đạt trên 3,6 tỷ USD, riêng 5 tháng đầu năm nay đã đạt gần 1,9 tỷ USD. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ hợp pháp sang Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số 1 cho Việt Nam, với sản lượng khai thác gỗ không dưới 300 triệu m3 gỗ/năm.
Việt Nam đang ngày càng chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Chấm dứt tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên và phát triển mạnh mẽ rừng trồng.
Với hướng đi trên, ngành công nghiệp chế biến gỗ hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với mục tiêu phục vụ trong nước và xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tăng trưởng nông nghiệp 6 tháng chững lại
Theo vietnambiz.vn, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm thủy sản sản đạt gần 19,8 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kì năm ngoái. Qua đó đưa thặng dư toàn ngành đạt 4,2 tỉ USD và tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2018.Tuy nhiên, mức trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay chậm hơn hơn so với cùng kì năm ngoái là hơn 10%. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính đạt gần 9,3 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kì năm ngoái. Các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 320 triệu USD, tăng 4,6%.
Trong nửa đầu năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã mở cửa thị trường mới đối với nhiều sản phảm xuất khẩu như xoài vào Mỹ, Anh, Australia, măng cụt vào thị trường Trung Quốc…Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam đã kí kết Nghị định thư cho phép nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Trung Quốc.Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Mỹ đối với các sản phẩm trái cây như bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác. Đối với thị trường Nhật Bản, Bộ cũng đang đề nghị xuất khẩu vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm không được "sáng" như kì vọng là điều tất yếu bởi ba yếu tố.
Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, chậm hơn so với dự báo, ảnh hưởng đến nhu cầu nông sản. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tác động xấu đến ngành nông nghiệp. Đây là hai thị trường tiêu thụ lớn đối đối với nông sản Việt Nam.
Cuối cùng, tình hình thời tiết bất lợi, nhất là nắng nóng kèm theo đó là dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp.
Cá ngừ Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với Trung Quốc và Thái Lan
Vietnambiz.vn đưa tin, Thái lan và Trung Quốc là các nước đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng đều chưa ký kết FTA với EU. Do đó, EVFTA được xem là tạo lợi thế về thuế quan cho Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế so với các nước như Thái Lan hay Trung Quốc.
VASEP nhận định đây là các nước đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng đều chưa ký kết FTA với EU.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, EU đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam trong 10 năm qua. Hiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thăn/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp sang sang thị trường EU. Từ trước năm 2014, xuất khẩu thăn/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang EU tăng trưởng liên tục.
Tuy nhiên sau đó lại có xu hướng giảm liên tiếp trong 2 năm và tăng trở lại vào năm 2017. Còn các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại có xu hướng tăng liên tục trong giai đoạn trước 2014, nhưng sau đó cũng giảm liên tục.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Trong khi Đức nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam. Italy và Tây Ban Nha nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh.
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Ecuador, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet